“Luồng xanh” không có nghĩa là “thông chốt” vô điều kiện
Ngày 19/7/2021, bộ Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động cho hệ thống “luồng xanh”, có mã QR nhận diện. Khi qua chốt phòng dịch, nếu vào “luồng xanh” sẽ nhanh hơn, do lực lượng chức năng trực chốt phòng dịch không kiểm tra, rút ngắn thủ tục, thời gian lưu thông. Đối tượng được cấp “luồng xanh” là xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp… có hành trình đi, đến hoặc đi qua các địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc triển khai “luồng xanh” đã tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải hàng hóa, công nhân, chuyên gia lưu thông qua các địa phương đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, góp phần đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân và chuỗi sản xuất trong nước không bị đứt gãy.
Tuy nhiên, những sai phạm của đội ngũ tài xế “luồng xanh” bị phát hiện trong thời gian gần đây đã làm dấy lên những lo ngại bởi nó tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, vi phạm pháp luật, kéo theo hệ luỵ khôn lường. Người Đưa Tin cũng đã có những bài viết, video phản ánh về tình trạng "cò luồng xanh" cũng như những chiêu trò mà các đối tượng lợi dụng chính sách để "lách" quy định.
Trao đổi với Người Đưa Tin xung quanh vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm: “Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hướng dẫn xây dựng “luồng xanh” vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24h tại các địa phương thực hiện áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục đích nhằm cụ thể hóa một phần chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, an dân và tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện “giải pháp kép” vừa tăng tốc phát trển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch an toàn, mà không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy các tiến trình, lộ trình phát triển kinh tế xã hội, hướng tới một xã hội, an toàn và phải phát triển thực sự.
Nhưng có một điều đáng tiếc đó là, một số cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép vận hành giao thông đi vào “luồng xanh” lại lợi dụng vì mục đích cá nhân, để thực hiện không đúng theo chỉ dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của bộ Giao thông Vận tải về lưu thông “luồng xanh” nên khi vận chuyển người hay vận chuyển hàng hóa hỗ trợ cho tâm dịch hoặc ngoài vùng dịch để phát triển kinh tế - xã hội đã thu tiền và có những việc làm khác vi phạm chỉ dẫn được ban hành”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho rằng: Cá nhân, tổ chức khi được cấp thẻ “luồng xanh”, không có nghĩa là những đối tượng này được đi qua các chốt kiểm soát một cách vô điều kiện. Khi thấy có dấu hiệu vi phạm, đơn vị có thẩm quyền cần xem xét kỹ các nguyên nhân, đồng thời xác định rõ là tuyến nào, địa phương nào, vùng nào, cá nhận, tổ chức nào để xảy ra vi phạm như thế để có phương an xử lý. Nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Kể cả được ưu tiên đi vào “luồng xanh” nhưng cá nhân, tổ chức vẫn phải đảm bảo an toàn; đừng để những đối tượng đó lợi dụng, biến “luồng xanh” thành “luồng đen”, gây mất an toàn cho xã hội; là nguy cơ lây lan mầm bệnh trong cộng đồng”, nữ Đại biểu Quốc hội nhìn nhận.
Theo ý kiến của vị Đại biểu Quốc hội, thực tế đã có nhiều trường hợp làm giả phiếu xét nghiệm Covid-19 thì không loại trừ khả năng làm giả thẻ “luồng xanh”, chưa kể còn rất nhiều hình thức vi phạm khác. Do vậy, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. “Lỗ hổng ở đâu thì bịt ở đó”, bà Sửu nêu vấn đề.
Nữ Đại biểu Quốc hội kiến nghị: “Trên cơ sở chỉ dẫn của bộ ngành, các địa phương phải vận hành ngay, nếu chưa có cũng phải xây dựng ngay nền tảng số để kiểm soát các chốt chặn, quản lý việc cấp thẻ, vận hành thẻ “luồng xanh” bằng công nghệ.
Để không còn sai phạm, quan trọng hơn cả chính là ý thức tự giác của chính những người trong cuộc. Cá nhân nào, tổ chức nào mong muốn được cấp thẻ “luồng xanh” thì phải tuân thủ đúng các quy định trong vấn đề sử dụng “luồng xanh” cho hiệu quả. Chính cá nhân, tổ chức nào không nêu gương, lợi dụng việc sử dụng thẻ “luồng xanh” để phạm pháp thì đáng lên án, thậm chí phải bị xử lý”.
“Bên cạnh đó, chính những hành khách cũng phải có phản ứng ngay từ đầu. Khi thấy có những dấu hiệu như thu tiền khi đi qua “luồng xanh”, vậy mỗi hành khách phải lên tiếng ngay, chỉ ra vấn đề cho chủ xe, cho tổ chức cá nhân đang sai phạm, đồng thời liên kết với những hành khách khác, quyết không vào hùa với sai phạm”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu bày tỏ.
Đối diện với nhiều chế tài xử lý
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Các hành vi vi phạm không chỉ đơn thuần như giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của lái xe hết hạn, đi sai lộ trình được cấp... mà đã được nâng cấp lên mức cảnh báo cao hơn là giả mạo thẻ nhận diện, thậm chí chở hàng lậu, chở người trên thùng xe để thông chốt kiểm dịch.
Các hành vi trên không những vi phạm pháp luật mà các đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi nên mức độ nghiêm trọng được xác định là cao hơn bình thường. Bởi lẽ, trong giai đoạn hiện nay, toàn xã hội đang rất cố gắng phối hợp với Chính phủ, Nhà nước thực hiện mọi biện pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng. Việc các hành vi vi phạm pháp luật trên diễn ra vào thời điểm này không những chống lại nỗ lực phòng, chống dịch của toàn xã hội mà còn tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát hơn nữa”.
Về chế tài hiện hành xử lý những hành vi trên, luật sư Phan Kế Hiền nói: “Khi lợi dụng “luồng xanh” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ có 2 đối tượng bị xem xét chịu trách nhiệm là tài xế và chủ doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực xử phạt hành chính, đây là hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ – CP của Chính phủ. Theo đó, hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng.
Trường hợp người sử dụng mã QR “luồng xanh” giả để qua chốt kiểm soát dịch mà dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người.
Trường hợp tiếp tục vi phạm, ngoài xử lý theo quy định thì áp dụng biện pháp: Thu hồi thẻ nhận diện, không gia hạn hoặc từ chối cấp thẻ nhận diện có mã QR hoạt động trên “luồng xanh””.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia pháp lý – Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng (Hà Nội) nói: “Ngoài các tình huống như trên, nếu như đối tượng sử dụng giấy tờ, mã QR “luồng xanh” giả mạo thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói thêm: “Hiện nay, lực lượng chức năng đang rất quyết liệt kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong quá trình phòng chống dịch. Cảnh báo những người ý định hoặc có hành vi vi phạm, lợi dụng quy định về “luồng xanh” thì nên chấm dứt ngay.
Đối với những trường hợp lợi dụng “luồng xanh” để vi phạm hoặc có dấu hiệu làm giả hồ sơ “luồng xanh” như báo chí phản ánh vừa qua thì cơ quan chức năng tại các địa phương liên quan cần xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm để có những quy định chặt chẽ hơn trong bối cảnh dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, không làm khó doanh nghiệp, nhưng cũng bịt được lỗ hổng, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng”.
Trong khi đó, luật sư Phan Kế Hiền kiến nghị: “Đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát và địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan quản lý cần quyết liệt kiểm tra, giám sát và hậu kiểm vấn đề giấy tờ và thẻ hoạt động “luồng xanh” đối với các phương tiện được phép hoạt động.
Bên cạnh việc kiểm tra phương tiện và hàng hóa, thì việc kiểm soát chặt tài xế và người đi cùng trên phương tiện cũng rất quan trọng, bởi đây chính là những đối tượng có thể là nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch Covid-19, không vì lợi trước mắt mà phải gánh chịu hại lâu dài. Cần nghiêm trị, răn đe bằng cách nâng mức hình phạt nghiêm trọng hơn nữa đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là có yếu tố lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện”.
Xem thêm:
Vấn nạn “cò luồng xanh” và chiêu trò của những chuyến xe "lậu"
Những cuộc "ngã giá" của "cò luồng xanh" thời giãn cách
Xác minh việc "Doanh nghiệp phải nhờ dịch vụ khi làm luồng xanh"
Thúy - Hường