Doanh nghiệp FDI trong áp lực thiếu lao động, chi phí tăng hàng trăm tỉ đồng
Đào Loan
(KTSG Online) - Doanh nghiệp tại TPHCM không chỉ phải đối mặt với việc chi phí sản xuất tăng quá cao do giãn cách kéo dài mà còn là những áp lực về thiếu người lao động để làm việc trong bối cảnh nguồn nhân lực rơi rụng vì dịch bệnh cùng với những áp lực khi phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch.
Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào sáng 20-8 tại UBND thành phố. Ảnh chụp qua màn hình phòng họp: Minh Duy |
Trường hợp của Intel Vietnam
Intel Vietnam là một trong những công ty có nhiều lao động và xuất khẩu rất lớn ở TPHCM. Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại công ty, từ khi TPHCM bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 cho đến nay, nhà máy của Intel Vietnam phải áp dụng phương án "1 cung đường - 2 điểm đến" cho toàn bộ gần 1.870 người lao động trực tiếp và 1.500 người lao động gián tiếp, các nhà thầu...
Người lao động phải lưu trú tại các khách sạn tập trung trong khu vực thành phố. Chi phí phát sinh tạm tính từ 15-7 đến 15-8 là khoảng 140 tỉ đồng, nếu tính thêm đến 15-9 thì con số không phải là gấp đôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mà còn là kế hoạch sản xuất.
Công ty đang thiếu lao động và cho rằng cần có những quy định linh hoạt hơn để người lao động có thể đi làm, doanh nghiệp có thể cho công nhân làm thêm mà không vi phạm luật.
Theo bà Uyên, với những người F1 thì hiện quy định là phải cách ly 14 ngày, với 2 lần xét nghiệm PCR, rồi theo dõi tiếp 14 ngày là quá dài, dẫn đến không đủ người để làm việc. Bà cho biết tại công ty này không có tình trạng F1 sau cách ly lây bệnh cho người khác. Tỷ lệ lây nhiễm của Intel Vietnam rất thấp, chỉ 1/1.000.
Với lực lượng lao động cốt cán, công ty cũng thiếu nên đề nghị cho phép lao động nước ngoài đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 được quay lại Việt Nam làm việc với thời gian cách ly ngắn và tạo điều kiện cho lao động trong nước ra nước ngoài đào tạo công nghệ mới.
"Chúng tôi muốn gửi 100 lao động Việt Nam qua Mỹ và Malaysia để đào tạo nhưng chưa biết đưa họ đi và về như thế nào", bà nói.
Một trong những khó khăn nữa để duy trì sản xuất trong giai đoạn hiện nay là do thiếu người doanh nghiệp buộc phải tăng giờ làm để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết nhưng nếu tăng quá lại vi phạm luật lao động.
"Chúng tôi muốn cơ quan quản lý cho phép người lao động tăng thêm 100 giờ lao động ngoài giờ", bà Uyên nói.
Gợi ý về mô hình sản xuất phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh, đại diện Intel Vietnam cho rằng mô hình hai tại chỗ là hiệu quà vì vừa giúp doanh nghiệp ít tốn kém lại vừa đảm bảo tâm lý cho người lao động làm việc.
Intel Vietnam đã đưa ra phương án cụ thể và đề nghị ban quản lý khu công nghệ cao được thí điểm. Theo đó, người lao động sẽ cam kết với công ty thực hiện 5 K cùng các quy định phòng chống dịch tại nơi lưu trú.
Công ty cho xe đưa đón nhân viên để không dừng, đỗ trên đường, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Khi nhân viên đã quen với kỷ luật thì có thể đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Để phương án hai tại chỗ thành công, Intel Vietnam đề xuất khu công nghệ cao nên có khu vực thu dung bệnh nhân Covid-19 để điều trị cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, phòng trường hợp người lao động bị nhiễm bệnh sẽ được chữa trị và quay trở lại làm việc sau đó.
Đại diện của Intel Việt Nam và một số doanh nghiệp khác kỳ vọng thành phố sẽ hết giãn cách sau ngày 15-9 để có thể sản xuất bình thường trở lại. Càng giãn cách quá lâu thì càng ảnh hưởng đến sản xuất và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tục cho doanh nghiệp cần nhanh như "chống giặc"
Câu chuyện về những khó khăn để giữ sản xuất trong dịch của Intel Vietnam chỉ là một trong những câu chuyện được đại diện một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiệp hội doanh nhân nước ngoài gửi đến lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp tại UBND thành phố vào sáng 20-8.
Theo đó, để duy trì sản xuất, nhiều công ty đang áp dụng mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" nhưng thực tế cho thấy không phải công ty nào cũng có thể áp dụng mô hình này, chưa kể những mô hình sản suất trong dịch làm chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý của công nhân.
Có những công nhân không thể bỏ con cái để vào công ty làm việc trong thời gian dài nên không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Với những người chịu vào công ty làm việc thì lại bị ảnh hưởng tâm lý bởi phải xa người thân... Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sản xuất.
Vì thế, cơ quan quản lý cần linh hoạt trong các quy định để phù hợp hơn với thực tế. Thêm vào đó, các thủ tục khác cũng cần được đẩy nhanh, như tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Chính phủ và thành phố.
Có doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la Mỹ/năm kể rằng công ty mẹ ở Malaysia không cần phải cho công nhân sống tập trung nhưng vẫn đảm bảo không lây nhiễm vì công nhân được tiêm đủ vaccine, đeo khẩu trang N95, kính chống giọt bắn và được xe công ty chở thẳng từ nơi ở đến nhà máy.
Tuy nhiên, khi công ty muốn trang bị thêm khẩu trang N95 cho công nhân tại TPHCM thì lại khó vì thủ tục.
"Chúng tôi đang làm thủ tục nhận 500.000 khẩu trang N95 để bảo vệ cho người lao động nhưng cả tháng vẫn chưa nhận được. Có những kế hoạch sản xuất phải qua rất nhiều ban ngành, từ y tế đến công an... Phương châm hiện nay là "chống dịch như chống giặc" mà kéo dài là không ổn, cứ chậm mỗi ngày là hơn 8.000 lao động ảnh hưởng", ông nói.
Doanh nghiệp nước ngoài cần gì?
Cũng như một số lần trao đổi trước, vấn đề đầu tiên mà hiệp hội doanh nhân nước ngoài quan tâm là vaccine ngừa Covid-19, kế đến là những vấn đề về đơn giản hóa thủ tục cho chuyên gia nhập cảnh, hỗ trợ doanh nghiệp...
Trong đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vaccine, cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh Covid-19 và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất, hỗ trợ thủ tục để các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly.
Hiệp hội Thương mại châu Âu đề xuất sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để các loại thuốc và thiết bị phục vụ ngành y tế được thông quan nhanh hơn. Thêm vào đó là hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.
Hiệp hội các doanh nghiệp Đức kiến nghị chỉ áp dụng hình thức 3 tại chỗ tối đa 4 tuần, yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày sau khi từ nhà máy về nơi lưu trú và ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất, đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp.
Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.
Mời đọc thêm:
TPHCM muốn đề xuất tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp '3 tại chỗ'
Thuốc điều trị Covid-19 được ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành