Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên rất nhiều rủi ro
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có văn bản số 5067/BCT-XNK ngày 20.8.2021 gửi các Hiệp hội sản xuất, nhập khẩu hàng hòa; Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.
Văn bản nêu rõ: Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng tiến độ thông quan không được như trước đây do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch.
Trước tình hình đó, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch.
Thực tiễn cho thấy, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng; với người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; quy cách hàng hóa và bao bì đáp ứng quy định của nước nhập khẩu) có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.
Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng). Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Chủ động để hàng hóa không bị ách tắc vì chính sách mới
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến giữa các thành viên Tổ công tác Thị trường 3430 và 3476 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) với Bộ Công Thương, lãnh đạo 4 tỉnh biên giới là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng, cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thông tin: Từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Tham tán Kinh tế - Thương mại Hồ Tỏa Cẩm nhấn mạnh: Để lưu thông hàng hóa giữa 2 nước, Bộ NNPTNT và Công Thương cũng có nhiều thư gửi đến bộ ngành và các đối tác của phía Trung Quốc, đặc biệt là thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất một số vấn đề quan trọng và đề xuất một số ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc.
“Đại sứ quán Trung Quốc đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cũng như chính quyền địa phương” - ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất nhập khẩu nông sản.
"Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ NNPTNT có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong điều kiện dịch bệnh" - ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.281449-uahk-auc-iat-couq-gnurt-gnas-nas-gnon-uahk-taux-nahk-ohk-og-oaht/et-hnik/nv.gnodoal