Lực sĩ Thạch Kim Tuấn... ẢNH: GETTY
Nhận định trên được giám đốc điều hành cử tạ Mỹ - Phil Andrews phát biểu với AFP. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã tỏ thái độ không hài lòng với Liên đoàn Cử tạ Quốc tế (IWF), và đã cho thay đổi Hiến chương Olympic sau khi thế vận hội Tokyo kết thúc nhằm giải quyết triệt để vấn đề.
Andrews nói với AFP: “Nó giống như một đứa trẻ. Nếu chúng nghịch ngợm, chúng phải hành động để chuộc lỗi. Lời nói của chúng tôi không còn là sự ràng buộc giữa chúng tôi với IOC”.
Cử tạ có mặt tại Đại hội thể thao hiện đại đầu tiên vào năm 1896 và đã trở thành một môn thi đấu cố định, bất chấp lịch sử bê bối liên quan đến chất cấm, khởi phát từ năm 1920.
Mức độ nghiêm trọng đối với môn cử tạ đã được nhấn mạnh bởi phó chủ tịch IOC - John Coates, khi ông này chia sẻ với Inside The Games rằng, “IWF đã được nhận được những khuyến nghị rất cụ thể nhưng họ không tuân thủ”.
...và Hoàng Thị Duyên đã đại diện cử tạ Việt Nam tranh tài tại Olympic Tokyo. ẢNH: GETTY
Andrews hy vọng ban lãnh đạo, đứng đầu là chủ tịch lâm thời Mike Irani sẽ bước sang một bên tại Đại hội IWF diễn ra tại Doha (Qatar) vào ngày 29-8.
Nếu họ tiếp tục tham gia thì Ban điều hành IOC có thể quyết định “treo giò” môn cử tạ vào cuộc họp tiếp theo vào ngày 8-9.
Trao đổi với AFP qua điện thoại, ông Andrews cho biết thêm: “Vấn đề là IWF đã không chú ý đến các khuyến cáo, dù IOC đã năm lần gửi thư đến IWF”.
Sự kiên nhẫn của IOC với ban lãnh đạo IWF đã cạn kiệt, mặc dù chủ tịch lâu năm Tamas Ajan đã từ chức vào tháng 4-2020.
Ông Andrews giải thích lý do tại sao cử tạ nằm trong danh sách đen của IOC: “Một số trong báo cáo của McLaren (luật sư người Canada - Richard McLaren) đã chỉ rõ 40 trường hợp dương tính với doping nhưng đã bị IWF và cựu chủ tịch Tamas Ajan che đậy, liên quan đến vấn đề doping khiến IOC không hài lòng”.