Cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (thứ tư từ trái sang) và các cựu quan chức cấp cao khác tiếp xúc lãnh đạo Taliban vào ngày 18-8 - Ảnh: REUTERS
Chúng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của bất kỳ quốc gia nào vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với Afghanistan như hiện nay.
Ông MOHAMMAD SOHAIL SHAHEEN
(người phát ngôn của văn phòng đại diện Taliban tại Qatar)
Ngày 20-8, các thủ lĩnh Taliban đã kêu gọi người dân Afghanistan đoàn kết trong buổi cầu nguyện thứ sáu đầu tiên, kể từ khi lực lượng này kiểm soát toàn bộ đất nước. Taliban cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết đất nước.
Trấn an người dân
Trong tuyên bố được phát chiều 20-8, ông Mohammad Sohail Shaheen - người phát ngôn của văn phòng đại diện Taliban tại Qatar - kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ người dân Afghanistan. Theo ông này, Afghanistan vừa trải qua chiến tranh nên cần được hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng, giáo dục, hệ thống chăm sóc y tế và phát triển tài nguyên.
Các quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Taliban cho biết tình hình tại Kabul vẫn đang ổn định, ngoại trừ khu vực xung quanh sân bay Hamid Karzai - nơi đang diễn ra các hoạt động di tản người nước ngoài. Lực lượng này cũng tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp với quốc tế, đảm bảo an ninh cho chiến dịch sơ tán người nước ngoài.
Để vãn hồi trật tự, Taliban đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm tại Kabul, cấm mọi người dân ra đường từ sau 21h hôm trước đến sáng hôm sau, theo Hãng tin Tass của Nga. "Chúng tôi không muốn làm bị thương ai cả" - một thủ lĩnh Taliban không nêu tên nói với Hãng tin Reuters.
Đối với người trong nước, Taliban đưa ra các phát ngôn mang tính trấn an dân thường đang sợ hãi và cảnh cáo những lực lượng chống đối bằng hành động cứng rắn. Các quan chức Taliban đã tới các nhà thờ Hồi giáo cùng người dân Afghanistan và kêu gọi đoàn kết trong buổi cầu nguyện thứ sáu - ngày có ý nghĩa thiêng liêng nhất trong tuần của người Hồi giáo.
Theo Reuters, Taliban đã gửi thông điệp đến các lãnh tụ tinh thần của các cộng đồng địa phương ở Afghanistan ngày
19-8, kêu gọi những người này dùng sức ảnh hưởng của mình thuyết phục người dân không rời khỏi Afghanistan, đặc biệt không đổ về sân bay ở Kabul.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Trung tâm Phân tích toàn cầu Na Uy - một tổ chức chuyên cung cấp cho Liên Hiệp Quốc các bản đánh giá nguy cơ và mối đe dọa an ninh - đã làm dấy lên lo lắng Taliban đang "nói một đằng, làm một nẻo".
Báo cáo này cho biết Taliban đã tổ chức các đợt săn lùng người làm việc cho Mỹ và NATO. Tại một số khu vực, Taliban sử dụng thành viên trong gia đình làm con tin để đe dọa, bắt ép những người đã từng cộng tác với Mỹ ra trình diện.
Taliban đã không bình luận về các thông tin trên và thể hiện sự cứng rắn với những người phản kháng. Nhân chứng của Reuters tại các thành phố Asadabad, Jalalabad và Khost cho biết Taliban xả súng vào những đám đông thể hiện sự trung thành với chính quyền Afghanistan đã sụp đổ trong ngày 19-8.
Nguy cơ nội chiến mới
Những cuộc biểu tình lẻ tẻ trong ngày 19-8 cho thấy bên cạnh nỗi sợ hãi bao trùm, đã có những dấu hiệu phản kháng Taliban chưa đầy 1 tuần sau khi lực lượng này kiểm soát phần lớn đất nước.
Hôm 19-8, Nga cảnh báo một phong trào chống Taliban đang hình thành ở Thung lũng Panjshir, cách Kabul chưa đầy 100km.
"Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan" - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu thực tế.
Ahmad Massoud, con trai của chiến binh chống Taliban nổi tiếng nhất Afghanistan Ahmed Shah Massoud, tuyên bố "sẵn sàng tiếp bước" cha mình và đang tập hợp lực lượng tại Panjshir.
"Chúng tôi cần nhiều vũ khí, đạn dược hơn và nguồn duy trì hoạt động" - Massoud kêu gọi trong bài viết trên báo Washington Post. Ngoài Massoud, một lực lượng khác do Phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh dẫn dắt cũng tuyên bố sẽ tổ chức "kháng chiến" chống Taliban từ Panjshir.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Mỹ lo ngại những kẻ thù của Taliban có thể tranh thủ tình trạng tranh tối tranh sáng để tấn công và thiết lập sự hiện diện tại Afghanistan. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan lo ngại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) có thể tấn công sân bay Kabul trong lúc các chiến dịch sơ tán người nước ngoài đang diễn ra.
Một lực lượng chống Taliban khác cần tính đến là các binh sĩ thuộc quân đội Afghanistan. Một số đã bỏ trốn ra nước ngoài bằng máy bay và xe bọc thép do Mỹ chế tạo, số khác cầm súng và gia nhập Taliban nhưng phần đông vẫn đang lẩn trốn tại Afghanistan.
Theo New York Times, những binh sĩ đang trốn đa số thuộc lực lượng biệt kích đã chiến đấu với Taliban đến những phút cuối. Khoảng 2.000 đến 2.500 trong tổng số 18.000 lính biệt kích được cho là đang ẩn náu tại Panjshir.
Nga, Trung Quốc nói gì về Taliban?
Trong các phát biểu riêng biệt ngày 19-8, đại diện Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc kêu gọi thế giới đánh giá Taliban dựa trên các hành động hiện tại thay vì quá khứ cách đây 20 năm.
"Taliban Afghanistan ngày nay điềm tĩnh và lý trí hơn lần trước. Chúng tôi khuyến khích và hy vọng Taliban Afghanistan sẽ cụ thể hóa và hiện thực hóa những gì họ đã nói trong những ngày qua", người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc nói.
Từ Matxcơva, người phát ngôn Maria Zakharova phủ nhận Nga đang cổ vũ Taliban và cho biết bình luận của các quan chức Nga dựa trên thái độ, tình hình thực tế ở Kabul sau khi lực lượng này kiểm soát thủ đô.
Theo bà Zakharova, thế giới nên tính đến việc Taliban sẽ lên nắm quyền ở Afghanistan nếu muốn thiết lập quan hệ hơn nữa với quốc gia này.
TTO - Trước đây Taliban bắt phụ nữ phải mặc trang phục trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ khoét những lỗ nhỏ để nhìn khi ra đường. Giờ đây chưa rõ quy định cụ thể, nhưng Taliban khẳng định không theo thể chế dân chủ.
Xem thêm: mth.49170622112801202-aig-couq-tek-naod-iog-uek-nabilat/nv.ertiout