Earth Day – Ngày Trái đất, là sự kiện được kỷ niệm vào ngày 22/4 hàng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên.
Từ năm 1970 đến nay, Tổ chức vì Trái đất đã và đang làm việc với hơn 75.000 đối tác tại hơn 190 quốc gia trên thế giới để thúc đẩy hành động tích cực bảo vệ hành tinh của chúng ta. Rất đông tình nguyện viên đã tham gia vào sự kiện vì môi trường lớn nhất trong lịch sử này.
Không ít người cho rằng ngày 22/4 gắn liền với một sự kiện nào đó liên quan đến môi trường trong quá khứ nên được chọn làm Ngày Trái Đất. Tuy nhiên, họ đã bị "lừa".
Ngày Trái đất được ông John McConnell đề xuất lần đầu ở Mỹ vào ngày 21/3/1970. Sau đó, ông Gaylord Nelson – nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Winsconsin đã phát động Ngày Trái đất thứ hai vào ngày 22/4/1970 với sự tham gia của hàng chục triệu người. Cuối cùng, Liên Hợp Quốc thống nhất lấy ngày 22/4 hàng năm làm Ngày Trái đất.
Có một sự thật không phải ai cũng biết là Ngày Trái đất thực ra không phải do Nelson mà là do Julian Koenig nghĩ ra. Koenig là một trong những người làm marketing nổi tiếng nhất tại Mỹ lúc bấy giờ.
Vậy người đàn ông này đã "đánh lừa" thế giới như thế nào?
Koenig khi đó là một người chuyên viết quảng cáo, đồng thời là nhà hoạt động môi trường. Năm 1970, ông tình nguyện giúp đỡ một sự kiện với mục tiêu nâng cao nhận thức về môi trường.
Sau vài ngày suy nghĩ, Koenig đưa ra ý tưởng về một số cái tên như Earth Day, Ecology Day, Environment Day, E Day nhưng nhấn mạnh rằng sẽ thật ngu ngốc nếu không chọn Earth Day.
Cuối cùng, đây là cái tên được chọn và Ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 49 của Koenig.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, Sarah Koenig, con gái của ông chia sẻ: "Cha tôi là một người làm marketing tài giỏi. Ông ấy là người đặt tên cho Ngày Trái Đất. 22/4 thực ra là ngày sinh của ông ấy chứ không có gì đặc biệt. Cái tên ‘Earth Day’ được ông ấy lấy cảm hứng từ ‘birthday’ (sinh nhật) vì chúng đọc gần giống nhau".
Julian Koenig qua đời năm 2014 ở tuổi 93. Ông được mệnh danh là một trong những người làm marketing sáng tạo nhất thế kỷ 20. Trong giai đoạn sôi động nhất của chủ nghĩa tiêu dùng ở Mỹ (những năm 1950 và 1960), Koenig là người đứng sau hàng loạt chiến dịch đình đám.
Năm 1959, ông tạo quảng cáo để giới thiệu dòng xe "con bọ" Volkswagen Beetle của Đức tới người tiêu dùng Mỹ. Beetle nhanh chóng trở nên phổ biến tại Mỹ. Năm 1999, tạp chí Advertising Age đánh giá đây là chiến dịch marketing hàng đầu của thế kỷ.
Koenig tạo ra chiến dịch trên cho Volkswagen khi đang làm việc tại một trong những công ty quảng cáo nổi tiếng nhất ở Mỹ là Doyle Dane Bernbach. Vài năm sau, ông thành lập công ty riêng.
"Doanh số bán hàng là thước đo quan trọng duy nhất. Việc của những người như tôi là giới thiệu sản phẩm tốt như thế nào. Bí kíp của tôi là càng đơn giản càng tốt", Koenig chia sẻ.
Về cuộc sống cá nhân, ngoài Sarah, ông còn 3 người con khác. Hai cuộc hôn nhân của ông đều không trọn vẹn và kết thúc bằng việc ly hôn. Có thể nói, nghề này đã đem lại cho ông cuộc sống đầy đủ với khối tài sản hàng triệu USD và danh tiếng trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, không ít lần, ông vẫn đặt câu hỏi rằng liệu nghề của mình có "hợp lệ" hay không.
Trong một chương trình phát thanh, ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Thành thật mà nói, quảng cáo chủ yếu được xây dựng dựa trên sự lừa dối. Tôi không nghĩ rằng ai cũng cảm thấy tự hào khi sang thế giới bên kia với sự nghiệp xây dựng trên điều đó, bất kể họ thành công ra sao".
Nguồn: BM, NYT
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị