Trong thời gian qua, Trạm y tế Phường Trung Mỹ Tây luôn có đội ngũ bác sỹ, y tá, nhân viên và tình nguyện viên túc trực, đường dây nóng luôn sẵn sàng nghe các cuộc gọi của người dân.
Ngay lập tức cứu chữa F0 tại nhà
4 giờ sáng ngày 19-8, sau cơn mưa giông lớn, Trạm y tế Phường Trung Mỹ Tây, quận 12 vẫn sáng đèn. Bác sĩ Nguyễn Văn Thiệt- Trưởng trạm vẫn đang thức thì tiếng chuông điện thoại reo vang.
Ở đầu dây, một trường hợp người dân trên địa bàn gọi tới, thông báo người thân là F0 có bệnh lý nền viêm, xơ gan hiện khó thở. Nhận được tin, Bác sĩ Thiệt cùng các thành viên trong tổ phản ứng nhanh lập tức xuyên màn đêm đến tận nhà người dân cứu chữa.
Bác sĩ Thiệt luôn túc trực ở trạm y tế để nhận các cuộc gọi của người dân qua đường dây nóng. Ảnh: HT
“Chúng tôi đến nơi, kiểm tra SPO2 của bệnh nhân rơi xuống 50% nên ngay lập tức bình oxy trên xe được sử dụng, cấp cho người bệnh. Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện quận 12 tiếp tục thăm khám, điều trị. Hiện người này đã tỉnh táo nhưng vẫn phải tiếp tục thở oxy” – bác sĩ Thiệt nói.
Đây là công việc thường ngày của Đội phản ứng nhanh về y tế của UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Tính từ thời điểm được thành lập khoảng hai tuần trước đến nay, 11 trường hợp là các F0 trở nặng đã được hỗ trợ, cấp cứu, đưa lên Bệnh viện quận 12 kịp thời.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM cho biết, Đội phản ứng nhanh gồm tám thành viên. “Các bệnh nhân COVID-19 nặng có triệu chứng vì như khó thở, sốt cao mà không kịp tới bệnh viện thì đội sẽ ngay lập tức có mặt với mục tiêu cứu sống tính mạng nhanh hơn, giảm biến chứng của bệnh nhân nhanh hơn” – ông Tâm nói.
Khi có người dân cần, bác sĩ Thiệt cũng trực tiếp lên đường cứu chữa. Ảnh: HT
Trước đó, UBND phường đã được trang bị một xe chuyên chở của Phương Trang, một xe của tổ trật tự đô thị và hai xe gắn máy có gắn hộc đựng đồ thiết bị cấp cứu, bình ô xi và các loại dụng cụ, thuốc men để kịp thời cứu chữa cho người dân khi có nhu cầu.
Khi người dân cần thì có thể liên hệ trực tiếp với ông Tâm qua số điện thoại cá nhân được đưa công khai, hoặc liên hệ với Trưởng trạm y tế cùng các nhân viên. Đội phản ứng nhanh sẽ hỗ trợ 24/24.
“Lực lượng này ăn ở ngủ nghỉ tại chỗ, để đảm bảo cơ động, mau chóng. Có nhiều trường hợp từ rạng sáng, hay đêm khuya mưa gió đều thực hiện bình thường” – ông Tâm tiếp.
Theo đó, ông Tâm cũng trực tiếp chỉ huy bên cạnh đó có thêm Trưởng trạm y tế và các thành viên gồm bốn người là nhân viên y tế và sinh viên tình nguyện; một cán bộ trật tự đô thị quận 12 cũng được tăng cường để chuyên chở, hỗ trợ.
Nhiều đội phản ứng nhanh có thành viên bị nhiễm
Tám thành viên trong Đội phản ứng nhanh hoạt động trên phạm vi bảy khu phố, tám tổ dân phố của phường Trung Mỹ Tây. “Chúng tôi hỗ trợ tất cả người bệnh COVID-19 có bệnh nền, người già không đi đến được bệnh viện. Cũng không phân biệt người thường trú hay tạm trú, hễ ai trở nặng thì chúng tôi có mặt” – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây cho biết.
Do lãnh đạo UBND trực tiếp tham gia, nắm rất rõ địa bàn, dân cư nên hoạt động của Đội phản ứng nhanh ít tốn thời gian, mau chóng tới với người bệnh.
Đội phản ứng nhanh với tám thành viên luôn sẵn sàng khi người dân cần. Ảnh: HT
Theo đó, mỗi khi nhận được thông tin, trực tiếp các nhân viên y tế của phường hoặc Bác sĩ Nguyễn Văn Thiệt- Trưởng trạm sẽ nói chuyện với người bệnh.
“Trường hợp người bệnh có sử dụng zalo thì chúng tôi sẽ gọi video, kiểm tra bệnh tình, nếu người thân có máy SPO2 thì đo và để chúng tôi xem để đánh giá tình hình. Trong lúc đó thì công tác chuẩn bị cũng được triển khai. Nếu người dân không sử dụng Zalo thì chúng tôi đi ngay lập tức” – Bác sĩ Thiệt nói.
Theo đó, khi người bệnh có nồng độ oxy máu dưới 92% thì đội sẽ cho thở oxy rồi nhanh chóng chuyển vào Bệnh viện quận 12 điều trị. Trường hợp không khó thở thực sự thì Đội sẽ tư vấn, yêu cầu liên hệ lại nếu diễn tiến nặng hơn.
Phương tiện mà Đội phản ứng nhanh sử dụng chủ yếu là xe máy. Ảnh: HT
Theo đó, hai xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của Đội phản ứng nhanh đã được cải tạo để chở bình oxy, dây thở, máy đo, thuốc men… để cấp cứu cho bệnh nhân.
“Thực tế cũng gặp không ít khó khăn vì hiện tại mùa mưa, đêm khuya nhiều trường hợp hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo khó di chuyển nên chủ yếu sử dụng xe máy. Ngoài ra chúng tôi còn có nhiệm vụ lấy mẫu, xét nghiệm, vận chuyển F0 nên nhiều khi thiếu nhân lực” – ông Tâm cho biết.
Theo Phó Chủ tịch phường Trung Mỹ Tây, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, UBND phường đã thành lập nhiều tổ, đội phản ứng nhanh để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Đây là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, dù đã có các biện pháp phòng bị nhưng cũng đã có ba trường hợp lây nhiễm gồm cả nhân viên y tế và dân phố.
“Đi làm lúc lấy mẫu, tiếp xúc F0 thì không sợ vì đã được trang bị bảo hộ. Nhưng có những lúc làm nhiệm vụ đột xuất bên ngoài, tiếp xúc với F0 mà không biết. Vừa rồi, tạm thời cách ly theo dõi bảy ngày để lấy mẫu thì có thêm hai trường hợp dương tính” – ông Tâm thông tin.
Cả tháng trời không về
Ông Tâm cũng cho biết, khi đi làm nhiệm vụ, lực lượng nào tham gia trực tiếp lấy mẫu, cứu chữa thì phải đảm bảo có phòng hộ đầy đủ thao tác đúng quy trình. “Lực lượng hỗ trợ phía sau cũng phải đầy đủ, tuy nhiên không trực tiếp để phân chia nhiều tầng, đề phòng khi có sự cố thì cách ly từ từ, không ảnh hưởng đến lực lượng làm nhiệm vụ chung” – ông Tâm cho biết về công tác đảm bảo phòng dịch của Đội.
Trong một thời gian dài, các thành viên trong đội không về nhà để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: HT
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, lực lượng “trực chiến” tại Phường gồm 15 người, bao gồm cả nhân viên y tế. “Anh em lâu rồi không về nhà. Một số người ban đầu thì ở trụ sở 24/24 để phục vụ công tác phòng chống dịch. Sau hơn mộ tháng, một số anh em có nhu cầu thì được tạo điều kiện về. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người về nhiều nhất cũng chỉ khoảng hai đến ba lần” – ông Tâm nói.
Cụ thể, hàng tuần, người nào có sự việc gì ở nhà cần về thăm con thăm gia đình thì tổ chức test nhanh, PCR có kết quả âm tính thì về. Riêng các y bác sĩ, tình nguyện viên thì ở lại suốt không về.
Anh Nguyễn Văn Bắc, Đội quản lý Trật tự Đô thị quận 12 cũng được tăng cường vào Đội phản ứng nhanh làm công tác chống dịch. “Ngày đêm chúng tôi đi hỗ trợ y tế, vận chuyển, lấy mẫu có khi đến 21 giờ đêm, 14 giờ chiều mới ăn cơm. Ban đêm, hay rạng sáng cứ gọi là có mặt chở dụng cụ, cấp cứu cho người dập kịp thời” – anh Bắc nói.
Anh Bắc cũng cho biết hiện hơn tháng nay chưa về nhà. “Để con cái ở nhà cũng đảm bảo phòng chống dịch, xa gia đình cũng nhớ nhưng mình cũng phải cố gắng góp tay để mau chóng khống chế được dịch bệnh” – anh Bắc tiếp.
Chị Giao Thị Phương Thảo (ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12) cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp, y tế quá tải, các F0 chữa bệnh tại nhà khiến người dân cũng lo lắng.
“Có Đội phản ứng nhanh để người dân liên hệ kịp thời khi khó khăn thì tôi rất vui. Nếu có thêm nhiều đội như vậy thì bà con an tâm vì được cứu chữa kịp thời, tận nơi”- chị Thảo nói.