Thành viên HĐQT đặc biệt tại Đường Quảng Ngãi
Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 3/4/2021 của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2021 – 2025.
Đa phần các thành viên Ban quản trị Đường Quảng Ngãi tiếp tục nhiệm kỳ của mình; tuy nhiên, xuất hiện một trường hợp đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Đông đã trúng cử vị trí thành viên HĐQT độc lập, điều chưa từng có trong tiền lệ.
Theo sơ yếu lý lịch, ông Đông sinh năm 1979 có trình độ chuyên môn thạc sĩ tài chính – ngân hàng. Từ tháng 3/2021, ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Trước đó, ông có gần 9 năm làm Trường Phòng Tư vấn Mua bán và Sáp nhập VDSC; gần 5 năm làm Phó phòng Tư vấn Tài chính doanh nghiệp VDSC…
Ông Nguyễn Văn Đông đại diện cho 29,35 triệu cổ phiếu QNS, tương ứng 8,22% vốn cổ phần. Song song với đó, phía Chứng khoán Rồng Việt hiện cũng đang trực tiếp sở hữu 3 triệu cổ phiếu QNS, tương ứng 0,84%. Lượng cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đông đại diện hiện đang có giá trị thị trường 1.373 tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng ông Đông là người đứng tên cho một nhóm cổ đông; cũng có thể liên quan hoặc không liên quan đến Chứng khoán Rồng Việt. Trước đó, không có công bố thông tin nào liên quan đến cổ đông lớn mới Đường Quảng Ngãi.
Những chi tiết về việc ông Nguyễn Văn Đông là chuyên gia trong lĩnh vực mua bán – sáp nhập, người của Chứng khoán Rồng Việt, cũng như đứng tên lượng lớn cổ phần khiến nhiều người liên tưởng đến một "cuộc đổ bộ" vào Đường Quảng Ngãi đang được lên kế hoạch.
Trên thực tế, cơ cấu cổ đông của Đường Quảng Ngãi khá phân tán, 3/4 cổ phần nằm trong tay cổ đông nhỏ - phần lớn là cán bộ nhân viên lâu năm của công ty.
Cổ đông lớn nhất là Công ty Thành Phát (công ty con 100% thuộc sở hữu của QNS), nắm 15,56%. Ông Võ Thành Đàng – Tổng giám đốc liên tục mua tăng sở hữu thời gian gần đây hiện nắm 6,45%; cùng với vợ là bà Võ Thị Cẩm Nhung nắm 2,97%. Một cổ đông lớn đáng chú ý khác là quỹ VOF của VinaCapital sở hữu 6,28% cổ phần.
"Viên ngọc thô" của ngành hàng tiêu dùng
Đường Quảng Ngãi được đánh giá là công ty hấp dẫn trong ngành hàng tiêu dùng. Thị phần của công ty này trong lĩnh vực sữa đậu nành có thương hiệu (Vinasoy) luôn đạt trên 80% trong nhiều năm, thậm chí đạt mức gần 86% năm 2020 (theo Nielsen). Mảng mía đường cũng đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu của QNS, bên cạnh đó công ty còn sở hữu các nhà máy bia Dung Quất, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun và điện sinh khối An Khê…
Năm ngoái, QNS ghi nhận 6.490 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.053 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 16% và 18% so với cùng kỳ. ROE ở mức 15,9%, ROA 11,5%, giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, QNS bắt đầu chững lại từ năm 2017
Trong báo cáo chiến lược đầu tư cuối năm 2021 của Rồng Việt, công ty chứng khoán cho rằng mảng đường sẽ dẫn dắt tăng trưởng của QNS từ xu hướng tăng giá đường. Nhờ đó, cả doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận mảng đường sẽ tăng mạnh.
Trong dài hạn, mảng sữa đậu nành được dự báo hồi phục sau năm 2021 và biên lợi nhuận được cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên trong năm nay, biên lợi nhuận của mảng sữa đậu nành sẽ co hẹp do tăng giá nguyên liệu đầu vào gồm đường và đậu tương.
QNS cũng là doanh nghiệp được đánh giá cao với dòng tiền tự do mạnh mẽ, trung bình hàng năm đạt 78 triệu USD.
Về so sánh tương quan trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dù có hiệu quả cao nhưng P/E và P/B của QNS đang thấp hơn so với các doanh nghiệp như VNM, SBT, KDC hay MSN.
Không loại trừ khả năng M&A, ứng cử viên là ai?
Với những yếu tố như hiện tại, không bất ngờ nếu Đường Quảng Ngãi nằm trong tầm ngắm M&A của các "đại gia" trong ngành hàng tiêu dùng.
Một chi tiết đáng chú ý, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) bất ngờ dẫn số liệu về sở hữu của nhóm cổ đông Masan và Nutifood tại Đường Quảng Ngãi. Tuy vậy, đại diện Masan đã bác bỏ điều này và nói rằng "Masan không đầu tư cổ phiếu QNS nào". Phía Chứng khoán Thành Công sau đó cũng đính chính rằng không tin trong báo cáo có "sự nhầm lẫn của chuyên viên phân tích" và đã thực hiện thu hồi.
Dù không có gì rõ ràng, nhưng hai cái tên được nêu ở trên là khá thú vị nếu thực sự quan tâm đến trường hợp Đường Quảng Ngãi.
Nutifood là công ty chuyên về các sản phẩm sữa dinh dưỡng có vị thế dẫn đầu tại Việt Nam. Trong năm 2020, doanh thu của Nutifood xấp xỉ 400 triệu USD. Tuy vậy động lực tăng trưởng của Nutifood có dấu hiệu chậm lại trong nhiều năm trở lại đây, một phần thị trường sữa cho mẹ và bé đang chuyển dịch sang phân khúc cao cấp hơn khi mức sống người dân tăng lên.
Trong khi đó, chiến lược M&A làm nên thương hiệu và sức tăng trưởng của Masan Group trong suốt một thập kỷ qua. Nhất là sau thương vụ mua lại VinCommerce, bản thân Masan cũng đang muốn bổ sung thêm ngành hàng vào bộ sưu tập vốn đã đồ sộ của mình. Sữa đậu nành được xem là lựa chọn không tồi để Masan có thể bắt đầu với mảng sữa vốn chưa có bất kỳ thương hiệu nào. Hiện tại, tỷ trọng hàng hóa của Masan Consumer trong các cửa hàng VinMart+, siêu thị VinMart là tương đối lớn. Chiến lược cộng hưởng bán lẻ hiện đại và sản phẩm "cây nhà lá vườn" của Masan là không còn phải nghi ngờ.
Vốn hóa thị trường của QNS đang đạt hơn 16.500 tỷ đồng
Đông A
Nhịp sống kinh tế