"Tuổi Trẻ Online được luôn có sẵn trên máy tính, điện thoại, theo tôi trên mọi hành trình. Báo là người bạn thân thiết giúp tôi có kiến thức nền, không bị tụt hậu về thông tin và vẫn là "chuẩn" cho các bài viết của tôi".
Vậy là đã 9 năm tôi trở thành độc giả trung thành của Tuổi Trẻ Online. Quãng thời gian ấy bắt đầu từ năm 2012 - năm tôi chính thức đậu vào Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Trước khi bước chân vào cánh cổng đại học, tôi vẫn còn rất "quê mùa", chưa biết đến loại hình báo điện tử. Tôi bắt đầu thích nghề báo khi xem chương trình thời sự trên truyền hình và đọc tin tức trên các tờ báo in. Cho đến khi học môn Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông, tôi mới được giới thiệu một cách rõ nét về loại hình báo điện tử.
Khi ấy, Tuổi Trẻ Online được giảng viên giới thiệu như một trang báo điện tử uy tín, hấp dẫn và có lượng truy cập cao. Kể từ đó, tôi thường xuyên vào tuoitre.vn để xem có gì thu hút độc giả đến như vậy. Cảm nhận ban đầu của tôi ở đây là sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và không ngừng đổi mới.
Sau vài học kỳ, tôi được học môn Nghiệp vụ biên tập viên, các anh chị khóa trên nói môn này "ám ảnh" lắm. Quả thật môn này không dễ lấy điểm chút nào. Các bài tập giảng viên giao đều rất hóc búa, đòi hỏi sinh viên phải có óc biên tập, nhạy bén trong xử lý nội dung và câu chữ.
Bí quyết để tôi vượt qua được "cửa ải" đó là lấy Tuổi Trẻ Online làm "chuẩn". Tôi để ý cách đặt tít chính, tít phụ, cách viết sa pô, hộp thông tin của báo để "bắt chước". Tôi còn tìm hiểu Tuổi Trẻ Online hành văn như thế nào để tự rút ra cho mình cách viết chặt chẽ, ngắn gọn và sắc sảo. Nhờ vậy, tôi đã tự tin hoàn thành các bài tập giảng viên giao và đạt được con điểm tương đối cao!
Tiếp sau đó, tôi được học về các thể loại báo chí như phóng sự, ký chân dung, bình luận, tường thuật... Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các thể loại, tôi cũng tìm đến Tuổi Trẻ Online. Học môn Ảnh báo chí, tôi cũng hay truy cập vào Tuổi Trẻ Online để xem các bức ảnh trong bài viết được chụp như thế nào. Quả thật, báo không chỉ hấp dẫn tôi ở cách đặt tít mà còn qua các bức ảnh rất ấn tượng, hàm chứa thông tin.
Có thể nói, Tuổi Trẻ Online không chỉ là người bạn cung cấp tin tức mỗi ngày mà còn đồng hành cùng tôi trong các môn học và cả chặng đường sinh viên báo chí. Được thực tập, được là cộng tác viên, phóng viên của Tuổi Trẻ Online dường như là mơ ước của rất nhiều sinh viên trong lớp của tôi.
Tôi, lúc ấy là một sinh viên đang tập tành viết báo nghĩ rằng, bước chân vào Tuổi Trẻ Online chắc sẽ khó lắm, vì đây là báo điện tử có chất lượng nội dung cao, phóng viên phải giỏi. Tôi tự nhận thấy mình chưa đủ tố chất "dấn thân", chưa đủ bản lĩnh tác nghiệp nên chưa từng dám ước mơ được là phóng viên của báo.
Nhưng "mơ" có bài được đăng trên báo thì có! Ngày 17-8-2015 là ngày tôi nhớ mãi. Bài viết Sức khỏe mọi người đánh cược với thực phẩm độc hại của tôi với bút danh Lương Anh đã được đăng trong chuyên mục Bạn đọc của Tuổi Trẻ Online, cũng là bài đầu tiên của tôi được đăng báo.
Có thể đối với nhiều người đó là điều bình thường, nhưng đối với tôi lúc đó không niềm vui nào lớn hơn. Tôi nhảy cẫng lên khi nhận được email của báo thông báo bài được đăng. Tôi vội vàng chia sẻ đường link lên mạng xã hội khoe với bạn bè. Vài ngày sau tôi nhận được nhuận bút - là số tiền đầu tiên tôi có được từ việc viết báo.
Thời gian 9 năm đọc Tuổi Trẻ Online trên máy tính, điện thoại, tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm của báo. Song có thể dễ dàng nhận thấy, càng ngày báo càng trưởng thành hơn, có sự phát triển vượt bậc về nội dung lẫn hình thức, tiếp cận sâu với cách thức làm báo online hiện đại.
Đúng như tên "Tuổi Trẻ", mỗi lần đọc, báo đều mang đến cho tôi một cảm giác rất trẻ, rất mới, rất năng động, phản ánh được hơi thở cuộc sống muôn màu.
Bên cạnh các chuyên mục khác, tôi mong rằng chuyên mục "Bạn đọc" của Tuổi Trẻ Online tiếp tục là diễn đàn để "bạn đọc làm báo", nơi bạn đọc được phản ánh những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong cuộc sống, nơi trao đổi quan điểm, ý kiến về một chủ đề nào đó, hoặc là không gian bộc lộ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm... Đó chính là cách phát huy ưu thế của loại hình báo điện tử trong xã hội thông tin, giúp báo ngày càng thân thiết, gần gũi và phụng sự bạn đọc tốt hơn.
Hiện tại tôi đã không còn theo nghề báo nhưng vẫn viết lách mỗi ngày. Tuổi Trẻ Online được luôn có sẵn trên máy tính, điện thoại, theo tôi trên mọi hành trình. Báo là người bạn thân thiết giúp tôi có kiến thức nền, không bị tụt hậu về thông tin và vẫn là "chuẩn" cho các bài viết của tôi.
Nhân sinh nhật lần thứ 18 (1-12-2021), Tuổi Trẻ Online xin được chờ đón bài viết của bạn đọc bốn phương nói lên những tâm sự, kỷ niệm, cảm xúc của mình với tờ báo dành cho các bạn trong 18 năm qua; xin chờ đón những lời góp ý, ý tưởng, hiến kế, đặt hàng từ bạn đọc để chúng tôi phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, xứng đáng là "người bạn" của quý độc giả xa gần.
Mời bạn đọc gửi bài viết về email: bandoctto@tuoitre.com.vn, hoặc để lại bình luận dưới bài viết. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
TTO - Nghệ sĩ Ái Như từng đến Tuổi Trẻ Online giao lưu trực tuyến với bạn đọc đầu năm 2005, thời điểm tờ báo còn chập chững ghi tên mình trong sự lựa chọn của người đọc. Dịp này, nghệ sĩ Ái Như đã có những chia sẻ về tờ báo chị gắn bó nhiều năm.
Xem thêm: mth.7613807052111202-enilno-ert-iout-cod-ihk-ehgn-coh-uht-hnart-ihc-oab-neiv-hnis/nv.ertiout