Đi chợ online thời giãn cách
Từ lâu, việc chuẩn bị những mâm cúng thật tươm tất, đủ đầy để dâng lên bàn thờ gia tiên dịp rằm tháng 7 đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng của người Việt. Trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế đi chợ, đi mua sắm trực tiếp nên nhiều dịch vụ cúng Rằm tháng 7 nở rộ trên "chợ mạng".
Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, gần 1 tháng nay, các vật dụng trong nhà từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, chị Nguyễn Dung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều đặt qua các ứng dụng, website, chợ chung cư online. Rằm tháng 7 năm nay, mọi đồ cúng lễ, tiền vàng, hoa quả chị cũng đều mua qua mạng.
Năm nay, để chuẩn bị cúng Rằm tháng 7 năm nay, chị đặt mua một mâm cỗ cúng làm sẵn với giá 600.000 đồng. Mâm cỗ bao gồm gà luộc, bánh chưng, nem rán, canh bóng, củ sen xào thập cẩm.
Ngay từ đầu tháng, chị Dung đã lên sàn thương mại điện tử đặt mua sớm. Mọi người thường hay kiêng nhưng mấy năm nay, nhà tôi đều mua như thế", chị chia sẻ.
Cũng giống chị Dung, chị Phạm Mơ ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì đã có xu hướng đi chợ mạng, mua đồ online từ 2 năm nay. Rằm tháng 7 này, chị không mua lẻ tẻ từng thứ một mà mua theo combo. Thông thường, các shop sẽ chuẩn bị đầy đủ từ A-Z mọi thứ, khách chỉ cần trả tiền là hàng về tới tận cửa.
Bán hàng online bội thu mùa dịch
Chị Mai Hồng Minh ở quận Đống Đa (Hà Nội) là chủ một cửa hàng bán đồ chay. Theo chia sẻ của chị, vào tháng 7 âm lịch, số lượng khách đặt cỗ chay tăng đột biến, để kịp trả đơn cho khách chị phải nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ.
"Những năm trước, dịp tháng 7 âm lịch là thời gian cao điểm có ngày tôi làm 25 - 30 mâm cỗ chay, phải 3-4 nhân viên làm mới kịp trả đơn. Năm nay dịch bệnh ảnh hưởng, không có người làm tôi phải nhờ người thân hỗ trợ nên không dám nhận nhiều, mỗi ngày chỉ làm chừng 4 mâm", chị Hồng Minh chia sẻ.
Một mâm cỗ chay với 7-10 món có giá từ 500.000 - 700.000 đồng. Những mâm cầu kỳ hơn, với đầy đủ món thì giá cao hơn có thể lên tới 1-2 triệu đồng tùy vào từng nhu cầu của khách.
Những ngày này, chị Đỗ Kim Hương ở Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) tất bật với gian bếp nhỏ của mình để làm bánh trôi hoa sen, phục vụ người tiêu dùng. Hàng năm, cứ từ ngày 10/7 âm lịch là chị lại chuẩn bị các hương liệu để làm loại bánh này.
Theo chị chia sẻ, mỗi năm chị chỉ làm bánh trôi hoa sen 2 lần, vào thời điểm ngày 3/3 và ngày lễ Vu Lan. Được biết, giá bán mỗi 1 hộp đủ bộ trôi hoa sen này là trên 70.000 nghìn đồng. Thông thường mọi người sẽ đặt mua theo số lượng người trong gia đình mình, khoảng 1-3 hộp. Mỗi ngày chị có thể làm 100 set để trả cho khách đã đặt hàng.
Chị Hương cho biết, khách đặt đến đâu chị làm đến đó để đảm bảo bánh tươi ngon. Tuy nhiên, mùa dịch này, chị chỉ nhận đơn của khách ở Hà Nội, không thể nhận đơn đặt của khách ở các tỉnh vì khó khăn trong vận chuyển.
Cũng trong dịp rằm tháng 7, nhiều tiểu thương bán hàng online cũng bận rộn bán hàng. Chị Nguyễn Hà, một tiểu thương chuyên bán hoa quả online chia sẻ, 3 ngày gần đây, lượng đơn hàng nhà chị đều tăng vọt. Đặc biệt, các dòng quả để thắp hương như cam, na, nhãn, thanh long đều cháy hàng. Trong khi giá các mặt hàng này đều nhích tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Còn chị Phương ở quận Tây Hồ đã nghĩ ra cách cấp đông xôi, bán dưới dạng như là một loại thực phẩm ăn sẵn để khách mua về tự chế biến.
Theo ước tính, dịp Rằm tháng 7 năm nay, nhà chị bán ra thị trường hơn 500 kg xôi cấp đông. Nhà chị nhận đơn đặt hàng bắt đầu từ ngày mùng 10/7 đến ngày 14/7 âm lịch để đảm bảo quá trình vận chuyển xôi tới tay khách sớm nhất.
Chị Phương thông tin: "Mọi năm vào dịp Rằm tháng 7, nhà tôi đều nấu xôi bán cho khách. Còn năm nay, do tình hình dịch bệnh, khách ngại ra ngoài mua nên tôi chuyển sang làm xôi cấp đông. Hàng bán ra rất chạy, được khách yêu thích và phản hồi tích cực, thậm chí, nhiều người còn quay lại mua thêm".
Mộc Miên (T/h theo Dân Trí, Dân Việt)