Bà Harris dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào sáng 23/8 và có một cuộc họp báo chung với nhà lãnh đạo Singapore sau đó. Bà Harris cũng tham gia một hội nghị bàn tròn với trọng tâm là phục hồi chuỗi cung ứng.
Ngay trước chuyến công du, bà Harris nói rằng các vấn đề bắt nguồn từ sự thiếu hụt chip toàn cầu là "rất thực tế". Nguồn cung hạn chế tiếp tục gây trở ngại trong sản xuất ở Mỹ, đặc biệt là các ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng. Nhà Trắng đã nỗ lực làm việc với các ngành công nghiệp và các nhà lập pháp trong nhiều tháng để tìm cách xoa dịu khủng hoảng nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tác dụng.
Trong khi đó, Singapore đang tìm cách tăng cường khả năng chế tạo chip cũng như năng lực sản xuất của mình.
Ngoài ra, bà Harris cũng sẽ thảo luận về các lĩnh vực hợp tác khác, bao gồm ứng phó với đại dịch và nền kinh tế số trong suốt chuyến tham. Các cuộc thảo luận về kinh tế xanh và an ninh mạng dự kiến cũng nằm trong chương trình nghị sự của bà Harris ở Singapore, ông Vivian Balakrishman, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, cho biết.
Nhà Trắng đang tiến hành các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ ở châu Á sau nhiều năm nước Mỹ duy trì một sự hiện diện thụ động. Đông Nam Á cũng xem cách nước Mỹ thể hiện vai trò của một đối tác thương mại lớn thông qua chuyến tham của bà Harris. Ngoài ra, nước Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau chuyến công du Singapore, bà Harris sẽ tới Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ sau năm 1975. Tuy nhiên, trước đó, rất nhiều Tổng thống Mỹ bao gồm Bill Clinton, George Bush, Barack Obama và Donald Trump đều đã tới Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình.