Học sinh nộp hồ sơ vào lớp 10 năm 2021 tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM - Ảnh: ANH KHÔI
"Con tôi đạt học lực giỏi suốt bốn năm THCS cộng với việc đã luyện thi vào lớp 10 ngay từ đầu năm lớp 8. Vì vậy, cháu đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú một cách rất tự tin. Tôi không ngờ vì dịch bệnh không thi được mà xét tuyển. Và gia đình tôi càng sửng sốt hơn khi xem điểm chuẩn vào lớp 10.
Con tôi rớt nguyện vọng 1, cả nguyện vọng 2 vào Trường THPT Tây Thạnh cháu cũng thiếu 0,1 điểm. Cuối cùng cháu chỉ đậu được nguyện vọng 3 là Trường THPT Lê Trọng Tấn" - chị N.T.H., phụ huynh ở quận Tân Phú, cho biết.
Trường vùng xa điểm cao hơn quận trung tâm
Sau khi xem điểm xong, nhiều phụ huynh cũng ngỡ ngàng vì rất nhiều trường THPT ở ngoại thành, vùng ven có điểm chuẩn cao hơn cả trường THPT ở nội thành (cùng tốp). Trong đó, nổi bật nhất là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (25,9 điểm) và Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn (25,1 điểm) có điểm chuẩn cao hơn cả Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 và THPT Lê Quý Đôn, quận 3 (hai trường này cùng có điểm chuẩn là 24,4 điểm).
Tương tự, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6 có điểm chuẩn (25,2 điểm) cao hơn cả Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM. Thậm chí, Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn (điểm chuẩn 24,2) và Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức (điểm chuẩn 24,4) vốn thuộc trường tốp khá nhưng có điểm chuẩn suýt soát hoặc bằng với trường thuộc tốp đầu ở nội thành.
Theo một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, mọi năm thi tuyển là tất cả học sinh sẽ làm chung một đề thi do Sở GD-ĐT ra đề. Năm nay, vì dịch bệnh nên sở phải chọn giải pháp tình thế là xét tuyển. Mà đã là tình thế thì không thể làm hài lòng tất cả phụ huynh.
Chuyên viên trên cho rằng: "Điểm chuẩn cao hay thấp phụ thuộc vào cách đánh giá học sinh của các trường THCS trong khu vực. Mặt bằng điểm số của học sinh lớp 9 khu vực nào cao thì điểm chuẩn vào các trường THPT khu vực đó sẽ cao và ngược lại. Và như thế, nếu học sinh ở khu vực này đăng ký xét tuyển tại trường THPT ở khu vực khác thì cũng sẽ phải chấp nhận một trong hai trường hợp. Đó là học sinh ở khu vực có điểm cao hơn đăng ký xét tuyển ở khu vực thấp hơn thì rất lợi thế và ngược lại".
Có lẽ vì lý do trên mà nhiều học sinh bị rớt khỏi nguyện vọng 1 trong mùa tuyển sinh năm nay.
Rất bất ngờ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những học sinh giỏi bị rớt khỏi nguyện vọng 2, 3 không phải là ít. "Con tôi đăng ký nguyện vọng theo tư vấn của giáo viên chủ nhiệm. Cô đã suy xét trên năng lực của cháu chứ không phải để cháu đăng ký nguyện vọng vượt quá khả năng. Sáng 23-8, cả gia đình tôi đã rất sốc khi xem điểm chuẩn vì thấy con mình rớt cả hai nguyện vọng 2, 3 vào Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1. Cuối cùng, cháu chỉ đậu nguyện vọng 3 vào Trường THPT Marie Curie" - chị Hồng, phụ huynh ở quận 1, chia sẻ.
Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 - thông tin: "Nhiều học trò của tôi buồn rầu nhắn tin rằng con đã rớt nguyện vọng 1 rồi thầy ơi. Tôi thấy thương học trò của mình quá. Các con đã trải qua một năm học với rất nhiều nỗ lực nhưng dịch bệnh đã không cho các con thể hiện những nỗ lực ấy.
Nguyên tắc chọn nguyện vọng mà chúng tôi tư vấn cho các con là nguyện vọng 1 chọn ngôi trường THPT mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực học tập của bản thân. Nguyện vọng 2 là trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2-3 điểm, nguyện vọng 3 thấp hơn nguyện vọng 2 từ 2-3 điểm. Vậy mà những học sinh chăm ngoan của tôi đã rớt nguyện vọng 1, tức là không vào được ngôi trường mà mình mơ ước".
Học sinh các trường THCS ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trước khi giãn cách xã hội do COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô Hằng - giáo viên ở quận Bình Thạnh - cho biết: "Học trò của tôi đạt 19,5 điểm (tức trung bình mỗi môn 6,5 điểm) mà rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập là 3 trường THPT ở mức trung bình trên địa bàn quận Bình Thạnh, Phú Nhuận là THPT Trần Văn Giàu, Phan Đăng Lưu, Thanh Đa. Ngay cả Trường Thanh Đa em cũng chỉ thiếu 0,1 điểm nên không thể đậu nguyện vọng 3".
Theo hiệu trưởng các trường THCS ở TP.HCM, học sinh rớt lớp 10 thường rơi vào các trường hợp đăng ký nguyện vọng vượt quá năng lực bản thân. Ví dụ học sinh có học lực khá nhưng lại đăng ký vào trường THPT tốp đầu. Nguyên nhân thứ hai là cả ba nguyện vọng đều là trường thuộc cùng 1 tốp. Thế nên, khi rớt nguyện vọng 1 là rớt luôn cả nguyện vọng 2, 3.
Nguyên nhân thứ ba là học lực của học sinh từ trung bình trở xuống nên không thể "đấu" với những học sinh có học lực tốt hơn mình nên chắc chắn sẽ bị "rơi" ra khỏi trường THPT công lập.
Thế nhưng, với năm nay khi thành phố thực hiện xét tuyển vào lớp 10 với căn cứ là điểm trung bình môn toán, văn, ngoại ngữ năm lớp 9, tình hình đã đổi khác. Nhiều học sinh đạt học lực trung bình khá vẫn rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10. Số học sinh giỏi nhưng rớt cả nguyện vọng 1, 2 (tức là không thể vào học ở cả trường THPT mà mọi năm có điểm chuẩn đạt mức giỏi, mức khá) mà chỉ có thể vào học tại trường THPT ở mức trung bình (tốp giữa)...
Phụ huynh cần nâng đỡ tinh thần cho con
"Con không vào được Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 là đã buồn lắm rồi. Ba cháu còn la rầy thêm nên cháu không ăn cơm mà đóng chặt cửa phòng khiến tôi lo lắng" - chị H., phụ huynh ở quận 5, kể.
Tương tự, thầy Võ Kim Bảo cho hay: "Học trò tôi nhắn tin là con không dám nhìn mặt má con vì con đã rớt nguyện vọng 1 rồi thầy ơi".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh cho rằng khi không vào được trường mình mong muốn, con trẻ đã buồn và thất vọng, phụ huynh đừng đổ dầu vào lửa thêm nữa. Hơn ai hết trong giai đoạn này, phụ huynh phải là người nâng đỡ tinh thần cho con em mình. Cần phải giải thích cho con hiểu rằng thất bại thì ai cũng có. Nhưng quan trọng hơn hết chính là thái độ của ta đối với thất bại ấy.
"Ngôi trường THPT chỉ là phương tiện giúp học sinh thực hiện ước mơ của mình. Việc rớt khỏi ngôi trường mình yêu thích chưa phải là dấu chấm hết. Không học được ngôi trường mình yêu thích thì học trường khác với tất cả nỗ lực của bản thân, chắc chắn sẽ có thành công.
Trước hết, phụ huynh phải giải tỏa tâm lý cho mình trước rồi hãy nói chuyện với con, giúp con mình lấy lại niềm tin và sự tự tin. Đừng nói những câu cay đắng như tôi đã từng nghe kể lại sau khi có điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm nay là: "Con A nó học dở hơn mày mà nó vô được trường chuyên. Còn mày nằm trong top của lớp mà rớt lớp 10 chuyên. Nghĩ xem có nhục không?" - bà Linh nói.
15.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 công lập
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay TP có 83.324 học sinh đăng ký dự tuyển sinh. Trong đó, 114 trường THPT công lập của TP sẽ tuyển khoảng 68.189 học sinh (tính cả chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp). Như vậy, sẽ có hơn 15.000 học sinh rớt khỏi kỳ tuyển sinh năm nay.
Nhiều học sinh chỉ thiếu 0,1 điểm
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay rất nhiều học sinh chỉ thiếu 0,1 điểm nên rớt lớp 10 hoặc rớt khỏi ngôi trường mà mình mong muốn. Lý do vì số học sinh có điểm cách nhau chỉ 0,1 điểm rất đông, từ 400 đến hơn 900 học sinh.
Anh Th. - phụ huynh ở TP Thủ Đức - tâm sự: "Tôi là một nhà giáo nên tôi đã nói trước với con mình rằng khi thực hiện xét tuyển thì tiêu chí công bằng, khách quan chỉ ở mức tương đối. Bởi cách ra đề kiểm tra, chấm điểm, đánh giá học sinh của các trường THCS hiện vẫn còn có sự chênh lệch.
Có trường chấm điểm quá "chặt" nên điểm trung bình của học sinh không cao, trường lại chấm quá "lỏng" nên điểm trung bình của học sinh cao chót vót. Và khi cháu sụt sùi khóc cho biết mình đã rớt nguyện vọng 1, tôi nói với con rằng dịch bệnh nên mình phải chấp nhận...".
TTO - Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2021 ở TP.HCM công bố sáng nay có nhiều 'đột biến' mà nguyên nhân chính là việc chuyển đổi từ phương thức thi tuyển sang xét tuyển.
Xem thêm: mth.62760142232801202-01-pol-oav-nauhc-meid-iov-ogn-tab-mch-pt-o-hnyuh-uhp/nv.ertiout