Đồ họa: NGỌC THÀNH
Từ hôm nay sử dụng thuốc kháng virus mới Molnupiravir tại TP.HCM
Bộ Y tế cho biết dự kiến từ hôm nay 25-8, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM (chương trình home-based care).
Lô thuốc Molnupiravir 300.000 viên loại 200mg (tương đương trên 7.500 liều) đầu tiên vừa về đến TP.HCM ngày 23-8. Dự kiến ngày 28-8 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg (tương đương khoảng 50.000 liều). Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu sử dụng trong đầu tháng 9-2021.
Hiện doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước cũng đã sẵn sàng tài trợ lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều, đến ngày 5-9 sẽ cung cấp thêm 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).
Theo Bộ Y tế, đã có 360 bệnh nhân sử dụng thuốc trong 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 với 160 người tham gia vừa được đánh giá chiều tối 24-8, bước đầu cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt làm sạch hoặc giảm tải lượng virus ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, kéo theo giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên cần dùng thuốc càng sớm càng tốt.
Ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay toàn thành phố đã thiết lập gần 300 trạm y tế lưu động trong tổng số mục tiêu đề ra là 400 trạm khắp thành phố để hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Ở nhiều trạm, theo ghi nhận, lực lượng bác sĩ, sinh viên của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã có mặt trực chiến.
Bình Dương có thể thêm 50.000 ca mắc trong hai tuần tới
Theo báo cáo của CDC tỉnh Bình Dương, trong ngày 24-8 tỉnh này ghi nhận 3.628 ca mắc mới. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận trên 77.050 ca mắc COVID-19. Trong hai tuần tới có thể tăng thêm 50.000 ca, lên tổng số trên 120.000 ca mắc. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách nghiêm ngặt tại Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên với khoảng 1,2 triệu dân.
Để hỗ trợ cho người dân khó khăn tại các phường (gồm 4 phường của Thuận An và 11 phường của Tân Uyên) bị "khóa chặt", người dân không ra khỏi nhà, kể cả đi mua lương thực, lực lượng quân sự phối hợp cùng địa phương đang gấp rút chuẩn bị các "gói thực phẩm" gồm gạo, đồ ăn để hỗ trợ cho người dân trong khu vực này.
Tại Đồng Nai, qua chiến dịch xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng đã phát hiện thêm nhiều ca F0 ở trong khu công nghiệp, đến nay đã có 22/31 khu công nghiệp có F0, trong đó TP Biên Hòa vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất tỉnh.
Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cho hay Đồng Nai đang thực hiện xét nghiệm diện rộng nên thời gian tới số ca mắc COVID-19 có thể sẽ tăng. Tổ công tác đề nghị khi xét nghiệm vùng có nhiều ca nhiễm mà chưa xét nghiệm hết số người cần, phải quản lý chặt theo từng nhóm (giữa những người đã lấy mẫu xét nghiệm và chưa xét nghiệm) để tránh lây chéo.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các xã, phường phải có kho lương thực tiếp nhận gạo trung ương phân bổ. Khi gạo về đến xã, phường phải đưa ngay đến các hộ dân và các khu nhà trọ, công nhân lao động nghèo.
Ban chỉ đạo lưu ý không được chậm trễ, không bỏ sót một ai bị đói và không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Robot nói chuyện, thông tin "thời sự" cho bệnh nhân, vận chuyển đồ ăn uống... tại Trung tâm hồi sức do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách tại TP.HCM - Ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Lần đầu tiên đưa robot vào điều trị bệnh nhân nặng
Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách vừa đi vào hoạt động, ngoài các y bác sĩ, các chuyên gia, lần đầu tiên có 3 robot do ThS Huỳnh Phúc Minh (Bệnh viện Trung ương Huế) nghiên cứu, sản xuất tại Huế và đưa tới trung tâm.
3 robot này sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình bên ngoài. Robot cũng giúp đưa đồ ăn, nước uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh, giúp giảm tiếp xúc bệnh nhân - y bác sĩ và giảm nguy cơ lây nhiễm trong khi lượng bệnh nhân sẽ được chuyển đến nhiều.
Nguồn: HCDC - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Mỹ có thể kiểm soát dịch COVID-19 vào đầu năm 2022
Theo Hãng tin Reuters, Mỹ đang đối mặt với một đợt bùng dịch mới liên quan đến biến thể Delta. Số người nhập viện và tử vong cũng đang tăng lên, đặc biệt là ở bang Florida, Mississippi, Louisiana, Texas và các bang khác ở miền nam nước Mỹ.
Ngày 24-8, tiến sĩ Rochelle Walensky - giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - cho biết số ca tử vong trung bình ở Mỹ đã tăng 23% so với tuần trước. Theo Reuters, Mỹ hiện đang ghi nhận trung bình 1.000 ca tử vong do COVID-19 trong một ngày và hơn 150.000 ca mắc mới.
Bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - cho biết Mỹ có thể kiểm soát được dịch COVID-19 vào đầu năm 2022, nếu tăng tốc chương trình tiêm chủng của nước này.
Trong khi đó, tại châu Âu ngày 24-8, Anh ghi nhận 174 ca tử vong do COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 12-3 nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 1.000 ca tử vong trong một ngày giai đoạn đỉnh dịch. Trong tuần qua, Anh ghi nhận tổng cộng 705 ca tử vong do COVID-19, tăng 8,8%.
Cùng ngày, Anh cũng ghi nhận thêm 30.838 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch trên cả nước lên hơn 6,5 triệu ca. Cho tới nay, khoảng 77% dân số trưởng thành ở Anh đã tiêm hai liều vắc xin COVID-19.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh ở New Zealand đang diễn biến phức tạp. Nước này đang đối mặt với đợt bùng dịch COVID-19 lớn nhất khi các ca mắc mới tiếp tục tăng và số ca truy vết cũng lên tới 14.000 ca.
Ngày 24-8, New Zealand ghi nhận 41 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch trên cả nước lên 3.096 ca. Tuần trước, Chính phủ New Zealand thông báo sẽ bắt đầu tiêm vắc xin của Hãng Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi.
ANH THƯ
TTO - Ngày 24-8, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Cơ sở y tế tư nhân đề nghị cho phép thu giá dịch vụ khám và điều trị COVD-19.