Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thành phố Cần Thơ cũng là một trong những tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội.
Vậy nhưng, vào tối 22/8, một thanh niên đã leo qua rào ngăn cách để vào nhà bạn gái ở khu vực 7, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Phát hiện sự việc, người dân trình báo công an. Tiếp nhận tin báo, một cán bộ Công an phường Hưng Phú nhanh chóng có mặt và yêu cầu đối tượng ra trình diện. Tuy nhiên, tên này đã dùng dao tấn công cán bộ Công an phường, rồi bỏ chạy.
Lúc này, lực lượng Công an phường Hưng Phú tiến hành truy đuổi và yêu cầu đối tượng dừng lại, nhưng hắn vẫn không chấp hành mà dùng dao chém vào Trung tá Phạm Đức Trung, Phó trưởng Công an phường. Ngay lập tức, lực lượng làm nhiệm vụ đã khống chế và bắt giữ đối tượng. Hiện, đối tượng đã được bàn giao cho Công an quận Cái Răng để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xung quanh vụ việc trên, trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Hành vi của đối tượng rất đáng trách, đáng lên án và có dấu hiệu tội phạm nên việc cơ quan điều tra bắt giữ, làm rõ và xử lý đối tượng này về tội chống người thi hành công vụ là có căn cứ, đúng pháp luật”.
Theo luật sư Cường: Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, biện pháp chống dịch đầu tiên phải thực hiện là giãn cách xã hội, với những khu vực có nguy cơ lây lan cao thì phải áp dụng lệnh phong tỏa, nghiêm cấm việc ra vào khu vực phong tỏa để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng trên đã tự ý đi vào khu vực cách ly để thăm bạn gái, đây là hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, bởi vậy lực lượng chức năng (Phó trưởng Công an phường) ngăn cản, yêu cầu đối tượng này tuân thủ pháp luật là hoàn toàn có căn cứ. Đây là việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của Phó trưởng Công an phường.
Tuy nhiên, đối tượng không những không chấp hành mà còn có hành vi sử dụng dao nhọn để chống người thi hành công vụ. Đây là hành vi dùng vũ lực đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Hành vi có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Vị luật sư phân tích: “Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2-7 năm”.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, theo hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, với những hành vi chống người thi hành công vụ trong thời điểm dịch bệnh xảy ra thì cần phải xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời.
Bởi vậy, đối tượng trên sẽ sớm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội danh chống người thi hành công vụ, đồng thời, sẽ phải áp dụng hình phạt là phạt tù thì mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”.
Cũng theo luật sư Cường: “Có thể nói rằng, thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh và trên các tuyến đường giao thông. Đây là những hành vi rất đáng trách, đáng lên án, xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật của một số đối tượng, chủ yếu là các đối tượng còn trẻ tuổi, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu giáo dục.
Bởi vậy, những chế tài của pháp luật, trong đó, có chế tài hình sự sẽ là căn cứ để cải tạo, giáo dục những đối tượng này trở thành người tốt, sống có ích với xã hội, phải có trách nhiệm với cộng đồng. Đó là cái giá phải trả cho hành vi thiếu hiểu biết, nông nổi, coi thường, thách thức pháp luật”.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).