Tờ CNN đưa tin, McDonald's đã buộc phải ngừng bán sữa lắc và đồ uống đóng chai tại gần 1.300 nhà hàng ở Anh. Nguyên nhân của việc này là do tình trạng thiếu nhân viên liên quan đến vấn đề Brexit và sự chậm trễ của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch.
"Giống như hầu hết các nhà bán lẻ, chúng tôi hiện đang gặp phải một số vấn đề về chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sự sẵn có của một số lượng nhỏ sản phẩm. Đồ uống đóng chai và sữa lắc tạm thời không có sẵn tại các nhà hàng trên khắp nước Anh, Scotland và xứ Wales", phát ngôn viên của gã khổng lồ thức ăn nhanh cho biết.
"Chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào và cảm ơn khách hàng đã tiếp tục kiên nhẫn. Chúng tôi đang nỗ lực để đưa những sản phẩm này trở lại thực đơn sớm nhất có thể", người phát ngôn nói thêm.
McDonald's là công ty mới nhất trong hàng loạt công ty ở Anh chứng kiến chuỗi cung ứng của mình "căng như dây đàn" vì đại dịch và Brexit - nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động và đưa ra các rào cản thương mại mới với Liên minh châu Âu. Tuần trước, Nando đã đóng 45 nhà hàng ở Vương quốc Anh do thiếu loại gà peri đặc trưng của chuỗi.
Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất thực phẩm và nhà hàng, những người đã phải vật lộn để tìm đủ nhân công. Trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu nhân viên trở nên trầm trọng hơn do các quy định của Vương quốc Anh yêu cầu mọi người phải cách ly nếu họ tiếp xúc với người đã bị mắc Covid-19.
Tình trạng thiếu tài xế xe tải cũng đã góp phần gây ra sự gián đoạn nguồn cung ở Anh. Hiệp hội Vận tải Đường bộ cho biết Vương quốc Anh thiếu khoảng 100.000 tài xế xe tải, 20.000 người trong số họ là công dân EU đã rời khỏi đất nước sau Brexit. Ngoài ra còn có sự thiếu hụt nhân công trong các bộ phận khác của chuỗi cung ứng thực phẩm.
James Hook, người điều hành các trang trại cung cấp 1/3 số gà được bán ở Vương quốc Anh, nói với CNN Business vào tháng 6 rằng công ty của anh đang cần gấp đôi số lượng nhân viên tuyển mới so với thông thường. Tuần trước, Hội đồng Gia cầm Anh đã đổ lỗi cho Brexit là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nhân viên có thể đồng nghĩa với việc thiếu gà tây vào dịp Giáng sinh.
Ranjit Singh Boparan, người sáng lập 2 Sisters Food Group, cho biết vào tháng trước rằng công ty của ông đã thiếu hụt 15% lao động trong tổng số 16.000 lao động do "cơn bão hoàn hảo" mang tên Brexit, đại dịch và chính phủ không hành động khi đối mặt với khủng hoảng.
Boparan cho biết: "Môi trường hoạt động đã trở nên tồi tệ đến mức tôi không thể thấy kết quả nào khác ngoài tình trạng thiếu lương thực lớn ở Anh. Nguồn cung thịt gà và gà tây đang bị đe dọa".
Các nhà sản xuất sữa cũng phải chịu áp lực. Arla, công ty cung cấp sữa cho các siêu thị ở Anh, nói với BBC vào tháng Bảy rằng họ đã gặp phải tình trạng thiếu tài xế kể từ đầu tháng tư.
Giám đốc điều hành Ash Amirahmadi nói với BBC: "Chúng tôi đánh giá mình đang gặp khủng hoảng thiếu tài xế và do đó chúng tôi đang yêu cầu ngành công nghiệp và chính phủ cần phải làm việc cùng nhau để nhận ra rằng tất cả đều đang gặp khủng hoảng và thực sự cần giải quyết vấn đề".
Trên thực tế, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang gây hại cho nền kinh tế Anh.
Theo dữ liệu do IHS Markit công bố hôm thứ hai, các công ty Anh đã trải qua sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng sản lượng trong tháng 8. Các công ty đã báo cáo những hạn chế phổ biến đối với hoạt động kinh doanh do thiếu nhân viên và các vấn đề về chuỗi cung ứng, với thiệt hại xảy ra trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Nguồn: CNN
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị