Trước thực tế này, Sở Công thương cho biết, các đơn vị phân phối sẽ phải chuẩn bị lại combo (gói nhiều sản phẩm) hàng do thực tế có một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp trong mỗi combo.
Những ngày qua, nhiều siêu thị đưa ra các combo thực phẩm sắp sẵn với nhiều mức giá để người dân chọn lựa và đặt mua thông qua chính quyền địa phương. Các cửa hàng tiện lợi cũng nhận đặt hàng qua điện thoại, Zalo, ứng dụng (app) và giao tận nơi cho khách theo phường. Đây được xem là những biện pháp cần thiết để các nhà bán lẻ bán hàng trong thời điểm người dân thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách, không ai được ra khỏi nhà.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, các điểm bán hàng của Saigon Co.op vẫn hoạt động bình thường và bán theo hình thức mua chung. Phương án mua chung được triển khai từ tháng Bảy thông qua Hội Phụ nữ, các đoàn thể địa phương, tổ hậu cần của các khu dân cư nên việc mở rộng quy mô lần này khá thuận lợi. Theo đó, các siêu thị của Saigon Co.op gửi danh mục khoảng 100 mặt hàng thiết yếu, các đầu mối mua chung tổng hợp toàn bộ nhu cầu trong nhóm thành một đơn hàng chung để siêu thị cung ứng. Saigon Co.op có một số combo hàng có giá chỉ từ 100.000 đồng để người dân dễ chọn lựa.
Nhân viên siêu thị Sài Gòn-Satramart ở đường 3 Tháng 2, P.12, Q.10 chuẩn bị hàng hóa chuyển cho chính quyền địa phương ở Q.10 giao lại cho người dân |
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết siêu thị, cửa hàng phối hợp với địa phương trong công tác giao, nhận hàng hóa để phân chia lại cho từng hộ dân theo danh sách đã đăng ký trước đó nhanh nhất có thể. Ngoài ra, hệ thống tiếp tục áp dụng những phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh như pick & ship (người mua đến trước siêu thị viết tên các mặt hàng cần mua trên giấy rồi đợi, nhân viên siêu thị sẽ chọn theo yêu cầu và giao hàng), mua hàng online, mua hàng qua ứng dụng. Saigon Co.op đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt đồng thời giữ giá bán ổn định.
Các siêu thị Big C, Tops Market, GO! (thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam) cũng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thông qua chính quyền địa phương, với nhiều combo khác nhau theo nhóm dinh dưỡng, vitamin, rau, củ, thịt, cá với giá dao động từ 60.000 - 1 triệu đồng/combo. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail - cho biết đơn vị này đã làm việc với chính quyền địa phương về phương án đặt hàng, giao hàng cho người dân. Hệ thống đại siêu thị GO!, Big C có thể cung ứng hàng hóa cho các ban, ngành, đoàn thể liên quận nếu có nhu cầu, giao bằng xe tải theo hướng dẫn của UBND TPHCM. Các siêu thị Tops Market cung ứng hàng hóa cho các phường và đại diện UBND phường sẽ giao đến các hộ dân.
Các trung tâm MM Mega Market ở TPHCM cũng thiết kế bốn combo thực phẩm có giá từ 150.000-300.000 đồng, gồm thịt, cá, trứng, rau củ, gia vị... và cung ứng cho khách hàng thông qua các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Đại diện đơn vị này cho biết, đã gửi danh sách các gói combo đến chính quyền địa phương nơi có trung tâm MM Mega Market hoạt động để thông tin cho người dân. Ngoài ra, mỗi trung tâm MM cung cấp thêm danh sách hàng hóa cho mỗi phường để người dân lựa chọn. Danh sách hàng hóa thay đổi và được cập nhật cho chính quyền địa phương theo ngày.
Theo đại diện Aeon Việt Nam, hai siêu thị Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân vẫn duy trì việc nhập hàng, đảm bảo nguồn hàng ổn định để phục vụ nhu cầu của người dân thông qua các cơ quan địa phương và các tổ COVID cộng đồng. Hệ thống đã gửi các combo hàng hóa cho đầu mối phụ trách tại các phường, tổ dân phố để người dân đặt hàng. Tuy nhiên, trong tuần qua, do người dân đã mua trước và dự trữ nhiều mặt hàng nên số lượng đơn hàng đặt hiện giờ chưa nhiều.
Đại diện một số siêu thị cho biết, hiện nhân viên siêu thị vẫn còn gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát do chưa được cấp giấy đi đường mới. Vì vậy, một số siêu thị, cửa hàng khó giao hàng nhanh khi đơn hàng nhiều. Hơn nữa, việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp khó khăn nên trong hai ngày đầu tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, lượng hàng nhập vào giảm, các cửa hàng tiện lợi vẫn thiếu rau, củ và nhân viên chưa biết khi nào có hàng. Một số cửa hàng VinMart, Bách Hóa Xanh tổ chức bán hàng cho khách qua Zalo, điện thoại bằng cách gửi danh sách các mặt hàng đang có, khách đặt và nhân viên giao hàng trong địa phận phường nơi cửa hàng trú đóng, không giao liên phường.
Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, việc vận chuyển hàng hóa vẫn gặp khó khăn do mỗi địa phương hiểu và áp dụng quy định phòng dịch theo một cách khác nhau. Công ty đã cùng Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn phối hợp với Sở Công Thương liên hệ các đơn vị để giải quyết nhằm đảm bảo việc lưu thông, cung cấp hàng hóa được thông suốt. Trong ngày 23/8, công ty đã cung cấp hơn 30 tấn rau củ cùng các loại cá biển đông lạnh cho hệ thống bán lẻ Satra.
Hiện Satra đưa ra combo dùng trong một tuần, trị giá từ 700.000 - 1 triệu đồng/combo và tiếp nhận đơn hàng từ các địa phương gửi đến hoặc phục vụ cho lực lượng đi chợ hộ vào mua sắm. Bà Đỗ Thị Dậu - Giám đốc Satramart Sài Gòn - lưu ý việc bán hàng được triển khai thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở các trang mạng để tránh bị lừa.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết sở đã gửi văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xem xét, cấp giấy đi đường cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất. Sở này chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp).
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.0914441a-oac-aig-nab-hna-nahp-uas-obmoc-ial-mal-es-iht-ueis/nv.moc.enilnounuhp.www