Ngành sản xuất châu Á hụt hơi
Theo Bloomberg, tại Đông Nam Á, một trong những khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, hoạt động sản xuất đã sụt giảm mạnh khi các nhà máy phải chật vật để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất hàng điện tử, may mặc và những mặt hàng khác.
Việc hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota mới đây tuyên bố cắt giảm sản lượng trong tháng 9 tới đã làm dấy lên những lo ngại về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Toyota, nguyên nhân dẫn đến quyết định này là tình trạng thiếu hụt linh kiện khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia. Việt Nam hiện là nguồn cung cấp nhiều loại phụ tùng cơ khí, trong khi Malaysia là nguồn cung chip ô tô quan trọng, vốn đã bị thiếu hụt trên khắp thế giới kể từ cuối năm ngoái do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 và nhu cầu đột ngột phục hồi mạnh trên thị trường ô tô.
Hãng sản xuất ô tô Toyota đã phải cắt giảm sản lượng vì tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước Đông Nam Á (Nguồn: Nikkei Asia Review)
Những khó khăn tương tự cũng đang xảy ra với các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào khu vực. Đầu tháng này, nhà sản xuất chip Infineon của Đức đã phải đóng cửa nhà máy ở Malaysia, trong khi Samsung Samsung Electronics hồi tháng trước tiết lộ, doanh thu của hãng trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch tại Việt Nam.
Việc nhà máy chip của Infineon tại Malaysia phải đóng cửa vì dịch bệnh được dự báo có thể khiến cuộc khủng hoảng chip toàn cầu trở nên trầm trọng hơn (Nguồn: Bloomberg)
Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, những quốc gia này có thể tác động rất lớn đến các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia Đông Nam Á trong khi một nửa lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ là từ khối này.
Trong khi đó tại Trung Quốc – công xưởng của thế giới, việc tái áp đặt các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta hồi cuối tháng 7/2021 cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Các số liệu kinh tế do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mới đây cho thấy, sản xuất công nghiệp Trung Quốc, thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích đã chậm lại trong tháng 7, chỉ tăng 6,4% so với một năm trước đó sau khi tăng 8,3% trong tháng 6. Đầu tư vào tài sản cố định, thước đo chi tiêu cho các hạng mục cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc, thiết bị trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 chỉ tăng ở mức 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 12,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6.
Biến thể Delta khiến sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2021 (Nguồn: Bloomberg)
Nhà kinh tế trưởng Raymond Yeung tại Ngân hàng ANZ nhận định: "Dữ liệu của tháng Bảy cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất sức rất nhanh. Sự lây lan của biến thể Delta cũng sẽ làm gia tăng rủi ro đối với các hoạt động kinh tế trong tháng Tám".
Chuỗi cung ứng tắc nghẽn vì dịch bệnh
Làn sóng lây nhiễm mới diễn ra giữa lúc các nhà xuất khẩu châu Á vẫn đang phải gánh chịu áp lực lớn từ chi phí vận chuyển đường biển tăng phi mã trong suốt hơn một năm qua, chủ yếu do thiếu container vận chuyển. Chỉ số Drewry World Container Index đã đạt mức 9.421,48 USD/container 12 m, cao hơn khoảng 350% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những lo ngại càng gia tăng sau khi giới chức Trung Quốc phải cho đóng cửa một phần tổ hợp cảng biển Ninh Ba – Châu Sơn, cụm cảng container lớn thứ ba thế giới vì một công nhân ở bến tàu có kết quả dương tính với COVID-19. Cảng xử lý khoảng 78 nghìn container mỗi ngày. Trước đó, hồi tháng 5, cảng Diêm Điền tại Thâm Quyến cũng bị đóng cửa trong gần một tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận chuyển quốc tế, khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt.
Các vụ tắc nghẽn cảng biển tại Trung Quốc gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu (Nguồn: SCMP)
"Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi, thậm chí là gấp ba thời điểm trước đại dịch", ông Lanm Lai, Giám đốc ngoại thương của CNC Electric (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), cho biết. "Năm ngoái, vào thời kỳ đỉnh dịch, tôi từng cho rằng điều này chỉ là ngắn hạn, nhưng càng ngày, tôi càng nhận thấy sẽ rất khó có một sự thay đổi đáng kể".
Cùng chung nỗi lo ngại, ông Raymond Ren, Giám đốc điều hành tại Pinghu Kaixin Plastic Industry - công ty sản xuất túi xách và vali du lịch ở tỉnh Chiết Giang, cũng không hy vọng mọi thứ sẽ sớm thay đổi. "Tôi không cho rằng sẽ có bất cứ điều gì đảo ngược điều này trong ngắn hạn. Bạn chẳng thể đoán trước điều gì vào đại dịch này".
Tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu
Bloomberg nhận định, những khó khăn tại châu Á – nơi xuất phát của 42% lượng hàng xuất khẩu của toàn thế giới, theo ước tính của Liên hợp quốc, có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng cao để chuẩn bị cho mùa mua sắm dịp lễ Giáng sinh.
"Biến chủng Delta có thể sẽ làm gián đoạn đáng kể hoạt động thương mại ở châu Á. Tính đến nay, hầu hết các thị trường vẫn kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng, vận may sẽ không còn kéo dài ở nhiều nơi", bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore, nhận định.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley lo ngại, việc dịch bệnh COVID-19 lan rộng hơn nữa có thể gây sức ép lên hoạt động sản xuất của Trung Quốc, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn phụ thuộc nhiều vào nước này để cung cấp thiết bị điện tử, y tế và các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, khi lý giải về việc hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase cũng đã nhấn mạnh đến rủi ro từ các quốc gia châu Á khác, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tỷ lệ tiêm chủng còn thấp tại nhiều quốc gia châu Á tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế toàn cầu (Nguồn: Reuters)
Theo bà Shahana Mukherjee – chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, tổn thất kinh tế của các đợt bùng phát dịch mới là vấn đề nghiêm trọng nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh ngay cả các quốc gia khống chế dịch tốt như Trung Quốc và Australia giờ đây cũng đang gặp khó khăn với hàng triệu người bị phong tỏa.
Bà nhận định, "Những biện pháp phong tỏa kéo dài sẽ không chỉ làm gián đoạn đà hồi sinh còn non trẻ của nhu cầu nội địa, mà còn có khả năng tiết chế lợi nhuận từ thương mại, đến mức làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung trong khu vực, buộc các nhà sản xuất phải nâng giá sản phẩm để giảm bớt thiệt hại từ sự sụt giảm nhu cầu".
Hàng chục triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực
Với việc nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch, nhóm dân số có thu nhập trung bình và thấp tại châu Á sẽ là đối tượng chịu nhiều rủi ro hơn cả. Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, đại dịch COVID-19 đã đẩy 75 - 80 triệu người ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái.
Một cậu bé 11 tuổi nhặt rác tại bãi rác Bhalswa, phía Bắc thủ đô New Delhi, Ấn Độ. ADB dự báo đại dịch COVID-19 đã đẩy 75 - 80 triệu người châu Á vào cảnh đói nghèo cùng cực (Nguồn: Nikkei Asia Review)
Theo ADB, trong năm 2017, trong số 35 quốc gia châu Á đang phát triển, có khoảng 203 triệu người phải sống ở mức nghèo khó cùng cực – mức sống dưới 1,9 USD (khoảng 43 nghìn đồng Việt Nam) mỗi ngày. Nếu đại dịch COVID-19 không xuất hiện, số lượng người nghèo cùng cực dự kiến sẽ giảm 50%, xuống còn 101,5 triệu người.
Tuy nhiên, dịch bệnh hiện đã khiến chương trình nghị sự phát triển bền vững của khu vực phải đối mặt với một bước lùi lớn. Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB đánh giá: "Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng COVID-19 đã làm bộc lộ những đường đứt gãy về kinh tế và xã hội, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực".
Nền kinh tế đang phát triển của châu Á đã suy giảm 0,1% vào năm ngoái, đánh dấu lần suy thoái đầu tiên của khu vực này trong gần sáu thập kỷ. Nhiều chính phủ đã phải dùng đến các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ về tăng trưởng GDP ở một số quốc gia, chẳng hạn như mức giảm kỷ lục 9,6% ở Philippines và mức giảm 7,3% ở Ấn Độ trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo của ADB, khu vực châu Á đã mất khoảng 8% số giờ làm việc do hạn chế di chuyển. Điều này ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo hơn và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. "Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế lâu đời mà hàng triệu người sống dưới hoặc gần mức nghèo khổ phải trải qua", báo cáo cho biết.
Trong tương lai, ADB kỳ vọng khu vực châu Á sẽ phục hồi trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 7,2%, nhưng sự lan rộng của biến thể delta đang làm gia tăng số ca nhiễm mới ở Ấn Độ và Đông Nam Á, buộc nhiều chính phủ áp đặt các biện pháp phong toả mới.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã kêu gọi một chiến lược phục hồi toàn diện. "Về lâu dài, sự gián đoạn do đại dịch gây ra có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nguồn nhân lực và năng suất lao động. Khu vực châu Á cần một cách tiếp cận phát triển lấy con người làm trung tâm để phục hồi, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau", ông Asakawa cho biết trong báo cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17702818152801202-atled-eht-neib-ut-cuht-hcaht-ueihn-iov-tam-iod-a-uahc-et-hnik/et-hnik/nv.vtv