Biến đam mê thành “phi vụ” tỷ đô
Trước khi thành lập Gymshark, Ben đã từng nhiều lần bắt tay khởi nghiệp. Từ khi còn học trung học, Ben đã có đam mê với công nghệ thông tin, và bắt đầu mở một công ty online chuyên bán biển số xe. Sau đó là hai ứng dụng dành cho iPhone để theo dõi tập thể dục, một trong số đó bán được 8.000 bảng Anh.
Cơ duyên đến với Gymshark bắt nguồn từ việc Ben bắt đầu đi tập gym và nhận ra rằng "tính nhất quán và tinh thần làm việc trong phòng tập đã khiến tôi thấy rằng nó có thể áp dụng cho những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống". Vì thế, thay vì tiếp tục học ngành IT, Ben theo học ngành Kinh doanh và Quản trị quốc tế ở đại học Aston.
Ben cho biết, ý tưởng về Gymshark đã nhen nhóm khi anh hận ra chất lượng những bộ quần áo thể thao trên thị thường quá tệ, không thoải mái như mình tưởng. Vì thế, vào năm 2012, Ben đã quyết định hợp tác với Lewis Morgan, một người bạn cũng theo học ngành kinh doanh và cho ra đời Gymshark.
“Tôi vẫn còn nhớ những khoảnh khắc phải lục tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy một bộ đồ tập ưng ý. Và thế là tôi nghĩ mình phải tự làm thôi”, anh chia sẻ.
Năm 2012, đó là năm Ben Francis 19 tuổi, chàng trai trẻ đã quyết định "mượn" gara ô tô của bố mẹ rồi thiết kế và bán quần áo. Có lẽ chính bản thân anh cũng chẳng thể ngờ mình có thể thành công như hiện tại.
Vào thời điểm đó, ban ngày, Ben là 1 chàng sinh viên của Đại học Aston Birmingham rồi đến tối lại trở thành nhân viên giao Pizza.
“Tôi có thể trả lời email công việc của Gymshark giữa những khoảng thời gian giao hàng, sau đó về nhà, phân loại trên website, thiết kế những sản phẩm mới”, anh nhớ lại khoảng thời gian đầu của hành trình khởi nghiệp.
Sau 2 năm kiệt sức với những chuỗi công việc liên miên ấy dù doanh thu hàng năm 250.000 bảng Anh, Ben bỏ học và nghỉ hẳn công việc giao pizza để tập trung hoàn toàn vào công ty.
Tăng trưởng vượt bậc
Sản phẩm của Gymshark nhanh chóng tạo nên một cơn sốt mới. Đồ tập của thương hiệu này giúp người mặc thoải mái và tự tin hơn, bởi nó có độ đàn hồi tốt và không có đường may. Bên cạnh đó, việc các mặt hàng được bán độc quyền trực tuyến (không mất phí thuê cửa hàng và nhân viên bán hàng) cũng giúp giá thành cạnh tranh hơn so với nhiều thương hiệu đối thủ.
Tất nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến Gymshark thành công. Đầu tiên, Ben Francis đã rất thông minh khi không làm thương hiệu của mình trở nên bão hòa mà luôn biến hóa. Họ thường phát hành phiên bản giới hạn, và hầu hết chúng đều bán rất nhanh. Chất lượng vẫn được đảm bảo, điểm khác biệt là thiết kế và họa tiết. Đặc biệt, một khi mặt hàng đã được "sold out" - tức bán hết, họ sẽ không sản xuất thêm nữa.
Sau cùng, Ben đã biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Bên cạnh tài khoản Instagram của thương hiệu, bản thân Ben cũng có 1 trang Instagram cá nhân và cả kênh Youtube. Hiện tại, tài khoản Instagram của họ có 5,3 triệu người theo dõi thường giới thiệu các vận động viên hoặc KOLS hay khách hàng sử dụng sản phẩm.
Năm 2018, Ben Francis được nhắc tới trong danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes. Năm 2020, Ben tiếp tục được nhắc tới trong The Sunday Times Profit Track 100 và được tôn vinh là EY Entrepreneur Of The Year (Doanh nhân khởi nghiệp của năm).
Vào tháng 8/2020, công ty này đã chốt hạ một thương vụ đầu tư với General Atlantic trị giá 1,45 tỷ USD. Điều đó giúp cho Ben Francis trở thành triệu phú tự thân, là một trong những người trẻ giàu nhất Vương quốc Anh với khối tài sản khoảng 700 triệu bảng Anh (tương đương 978,5 triệu USD).
Tham vọng trong tương lai
Mới đây, Ben đã quay trở lại vị trí CEO sau 6 năm từ chức vào giao lại quyền điều hành cho ông Steve Hewitt - một cựu Giám đốc của Reebok để “học hỏi thêm nhiều điều khác”.
Nói về quãng thời gian thử sức ở các vai trò khác nhau như Giám đốc công nghệ, Giám đốc marketing và Giám đốc sản phẩm, Ben cho biết, việc này đã giúp anh có thời gian để vừa khắc phục những điểm yếu của mình vừa phát huy những điểm mạnh mà "không còn phải lo lắng về thất bại".
Đồng thời, anh cũng chia sẻ thêm về những định hướng trong tương lai của công ty mình. Anh cho biết, hiện nay các nước có những thương hiệu đồ thể thao tên tuổi của riêng họ, chẳng hạn như Lululemon ở Canada, Nike và Under Armour ở Mỹ, hay Adidas và Puma ở Đức... và anh thích điều đó.
"Tôi thực sự nghĩ rằng Gymshark có thể là câu trả lời của Anh cho những thương hiệu như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa Anh là nơi bắt đầu và kết thúc của chúng tôi. Chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu thực sự", vị CEO 29 tuổi tự tin nói và cho biết anh đã được truyền cảm hứng từ những thương hiệu khác như hãng xe hơi Jaguar Land Rover.
"Tôi biết họ là một thương hiệu của Anh và cũng đến từ con phố mà tôi đã lớn lên, nhưng thật tuyệt khi ở nước ngoài mà vẫn nhìn thấy những chiếc xe của họ chạy trên đường phố", anh nói.
Han (t/h từ Vnexpress, Dân Việt, Doanh nghiệp hội nhập)