Gặp nhiều khó khăn trong việc được cấp giấy đi đường, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể đảm bảo tiến độ giao hàng và phải bồi thường hợp đồng.
Doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại vì không có giấy đi đường
Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh gas và nước uống ở khu vực phường Phú Hữu thành phố Thủ Đức cho biết, cho đến sáng nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas vẫn chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới do công an cấp nên đơn hàng gas tồn đọng rất lớn. Trong khi đó, mẫu giấy đi đường cũ đã hết hiệu lực nên nhân viên gặp khó khăn trong việc đi giao hàng.
Chị Nga, chủ doanh nghiệp Phương Quang thành phố Thủ Đức, có khoảng 5 cửa hàng kinh doanh gas ở khu vực này cho biết cho tới sáng nay chị mới được cấp 1 giấy đi đường cho một đại lý. Còn các cửa hàng khác vẫn đang phải chờ dù đã gửi danh sách lên Phòng kinh tế cũng như công an các quận huyện.
Nhiều ngày qua, các khách hàng liên tục điện thoại nên doanh nghiệp rất mệt mỏi nhưng không biết làm sao. Thiết nghĩ trong lúc chờ cơ quan chức năng cấp giấy đi đường, lực lượng giao gas và nước uống cần được tạo điều kiện hoạt động bằng thẻ nhân viên, giấy đi đường công ty, giấy đi đường cũ để giải quyết nhu cầu cho người dân.
Câu chuyện gặp khó khăn trong việc xin giấy đi đường đang là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Ngày 25.8, 7 hiệp hội ngành hàng gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng loạt có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành gỡ khó trong việc cấp giấy đi đường tại TPHCM.
Theo tổng hợp phản ánh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội ngành hàng, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.
Đặc biệt, không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics cũng đang gặp nhiều khó khăn với giấy đi đường. Theo phản ánh của của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nhiều doanh nghiệp logistics chỉ được Sở Công Thương TPHCM cấp 2 giấy đi đường nên không giải quyết được công việc.
Trong văn bản hướng dẫn của UBND TPHCM chỉ đề cập đến việc cấp giấy đi đường cho nhân viên ở cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi TPHCM có hàng ngàn doanh nghiệp logistics lại không được đề cập đến.
Với số lượng giấy đi đường quá ít, hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics phải hủy hợp đồng với khách hàng và chịu bị phạt khiến doanh nghiệp rất bức xúc. Các doanh nghiệp thuộc ngành này kiến nghị, do thời gian giãn cách còn kéo dài nên chính quyền thành phố cần tính toán lại trong việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp logistics nếu không hàng hóa có thể sẽ bị ùn ứ, thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn.
Sẽ đề xuất cấp thêm
Hiện nay, Sở Công thương nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy, nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu của Công an TP. Do đó, Sở Công thương phải có tính toán và cắt giảm. Tuy nhiên, có những đơn vị không thể giảm, như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, Sở chỉ giải quyết giấy đi đường để nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu (nhân viên thuộc doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa) di chuyển từ trụ sở doanh nghiệp đến cảng (hàng không, hàng hải) và trở về.
Trường hợp cần đi lấy C/O, chứng thư kiểm định,… phải ghi cụ thể lộ trình. Những trường hợp không ghi rõ địa chỉ, ví dụ: "từ công ty...", "đến các cơ quan kiểm định..."… sẽ không được giải quyết. Sở cũng chỉ giải quyết tối đa 2 giấy đi đường cho một doanh nghiệp. Trường hợp đặc thù (do quy mô lớn, chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa,…) thì doanh nghiệp có giải trình cụ thể đối với từng nhân viên.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã được cấp giấy đi đường từ ngày 23-24.8.2021 thì không cần thực hiện thủ tục cấp lại. Doanh nghiệp cầm bản chính giấy đi đường đã được cấp đến Sở Công thương để đổi mẫu mới của Công an Thành phố. Còn doanh nghiệp chưa được cấp phải thực hiện đăng ký lại và được giải quyết đồng bộ theo quy trình mới.
Riêng đối với lĩnh vực doanh nghiệp logistic thì theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết, các doanh nghiệp có hàng hóa cần phải xuất thì ưu tiên. Về logistics, Sở Công thương nhận hơn 4.100 đề nghị, hiện đã cấp 831 hồ sơ, từ chối 352 hồ sơ. Sở cũng sẽ có văn bản đề xuất Công an TP cấp thêm mẫu giấy đi đường.
Xem thêm: odl.103649-gnoud-id-yaig-cat-iv-ueik-ud-ohk-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal