Qua khảo sát của PV và thông tin từ các môi giới, gần đây lượng tin đăng bán khách sạn ở khu vực phố cổ xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều trên các website nhà đất.
Trong đó, những khách sạn 2 – 3 sao cách hồ Gươm bán kính từ 1-2 km được rao bán nhiều nhất và mức giá trung bình là dưới 1 tỷ đồng/m2. Điển hình là một khách sạn diện tích 87,7m2 có 6 tầng trên phố Mã Mây (Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm) được rao bán với giá 78 tỷ đồng (trung bình là hơn 889 triệu đồng/m2). Khách sạn trên phố Hàng Bè, tổng diện tích sử dụng là 105m2 có 5 tầng, đang rao bán ở mức 87 tỷ đồng (trung bình là khoảng 838 triệu đồng/m2) và chủ sở hữu cho biết, đây đã là mức giá "hữu nghị" nhất trong khu vực này.
Một khách sạn được giới thiệu là nằm sát hồ Gươm diện tích đất 151m2 đang có giá chuyển nhượng là 240 tỷ đồng (trung bình là khoảng 1,6 tỷ đồng/m2). (Nguồn: Facebook) |
Các khách sạn càng gần hồ Gươm thì mức giá rao bán sẽ càng đắt đỏ hơn. Theo đó một khách sạn cách mặt bờ hồ Gươm 50m, diện tích 155m2 với 12 tầng (bao gồm cả hầm) có giá chào bán là 215 tỉ đồng (trung bình là 1,4 tỉ đồng/m2). Trong khi khách sạn khác được giới thiệu là nằm sát hồ Gươm diện tích 151m2 có 12 tầng, đang có giá chuyển nhượng là 240 tỉ đồng (trung bình là 1,6 tỷ đồng/m2).
Số lượng tin rao bán khách sạn phố cổ Hà Nội xuất hiện ngày càng dày đặc hơn trên các website. |
Đặc biệt, một khách sạn được giới thiệu là đạt chuẩn 5 sao trên phố Hàng Bông có diện tích 351m2 với 13 tầng (bao gồm cả hầm) đang được nhiều môi giới chào bán ở mức 630 tỷ đồng (trung bình là 1,8 tỷ đồng/m2). "Khách sạn này mới xây được 5 năm, nội thất chuẩn 5 sao không cần bàn cãi, bình thường mà không có dịch, nếu không đặt trước thì rất khó có phòng và khách lưu trú ở đây hầu hết là người nước ngoài. Vì bà chủ đang cần vốn để kinh doanh ngành khác nên mới bán, trước đây người ta rao bán ở mức 650 tỷ đồng nhưng do dịch liên miên nên hạ xuống còn 630 tỷ đồng", một môi giới cho biết.
Nhưng "sốc" hơn là một khách sạn 4 sao cũng trên phố Hàng Bông, xây dựng vào cuối năm 2016 có diện tích 330m2 với 12 tầng đang được rao bán ở mức 650 tỷ đồng (trung bình khoảng 1,97 tỷ đồng/m2). Theo lời giới thiệu thì doanh thu khi bình thường của khách sạn là 5 tỷ đồng /tháng.
Nếu theo giá rao bán thì 1m2 của khách sạn 4 sao trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) có giá trung bình là gần 2 tỷ đồng giữa đại dịch khiến nhiều người "sốc". |
Bên cạnh các khách sạn có sao, những khách sạn mini và căn hộ dịch vụ khu vực phố cổ cũng liên tục được rao bán ở mức trung bình từ 400 – 600 triệu đồng/m2. Thực chất, đây phần lớn là những căn nhà mặt phố chuyển đổi công năng. Ví dụ như khách sạn 46m2 với 7 tầng ở phố Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) đang được rao bán với giá 18,5 tỷ đồng (trung bình hơn 402 triệu đồng/m2).
Nhiều môi giới nhận định, các khách sạn khu vực phố cổ đang được rao bán ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây và người mua chủ yếu nhắm vào giá trị "kim cương" của đất bao gồm giá trị về lịch sử, văn hóa, vị trí trung tâm, thuận tiện về buôn bán: "Các khách sạn ở phố cổ rao bán giá cả tỷ đồng m2 chủ yếu đắt là tiền đất chứ giá trị xây dựng không nhiều, nhiều khách sạn khách mua lại chủ yếu là mua đất vì mua xong phải đập xây mới hoặc phải cải tạo lại", một nhân viên môi giới cho biết.
Theo thông tin rao bán thì các khách sạn đều đã hoạt động ổn định nhiều năm và chủ khách sạn có thể chứng minh thu nhập hàng tháng kèm theo giấy tờ pháp lý. Tuy nhiên, dù lượng tin rao bán ngày càng nhiều và đã đăng khá lâu nhưng hầu hết các khách sạn trên phố cổ Hà Nội vẫn chưa tìm được chủ mới và giao dịch hầu như không có.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.
Do chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi của thị trường du lịch và khách sạn dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tại thị trường Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng thoái vốn theo kiểu bán tháo, bán lỗ khách sạn. (Nghĩa là giá trị tài sản lúc rao bán thấp hơn giá trị trong sổ sách). Hiện tại, các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4-5 sao vẫn đang cố gắng cầm cự. Trong khi đó, các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini đang gặp nhiều áp lực hơn phân khúc cao cấp.
Lộc Liên - Đình Phong
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.98972033162801202-2m-gnod-yt-2-nag-nab-oar-ion-ah-oc-ohp-nas-hcahk-hcid-aum-auig/nv.zibefac