Theo đại diện Tổ công tác Bộ Y tế hỗ chợ TP.HCM trong việc vận hành các trạm Y tế lưu động, đến hết ngày 25-8 TP đã có 403 trạm y tế lưu động.
Các trạm y tế lưu động này kết hợp chặt chẽ với các đội phản ứng nhanh của xã, phường để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà, tham gia xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người dân.
Mỗi phường thành lập từ 2 đến 3 trạm y tế lưu động, tùy số lượng F0 trên địa bàn. Bất kể ngày hay đêm, khi có kết quả xét nghiệm phát hiện F0 thì các trạm y tế lưu động nắm bắt để hướng dẫn chăm sóc, tư vấn sức khỏe. Các trạm sẽ góp phần lớn giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19.
Trạm y tế lưu động ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Ảnh: KD
Để chăm sóc F0 tại nhà, trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy cố định và bình oxy di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Nhân lực ở trạm có bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên. Ngoài ra, trạm còn cấp thuốc cho các trường hợp mắc bệnh mãn tính, đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế khác thuận lợi cho người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Theo bộ Y tế, từ ngày 27-8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào cộng đồng điều trị cho F0. Molnupiravir là sản phẩm được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình. Hiện viên nang Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất. Stella sẽ cung cấp hơn 2.3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 F0 tại cộng đồng ở TP.HCM.
Ngay khi thuốc kháng virus về thì các trạm y tế lưu động hoặc các tổ, đội y tế cơ sở chịu trách nhiệm phát các túi thuốc đến F0. Trong túi thuốc sẽ có thuốc điều trị kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng (sốt, ho, long đờm); thuốc điều trị các biến chứng đông máu, Vitamin C...