Những ngày này, người dân trồng nhãn tại tỉnh Hưng Yên như “ngồi trên đống lửa” vì nhãn đã vào chính vụ nhưng lại có rất ít thương lái thu mua.
Anh Đỗ Quang Sáng - một hộ dân trồng nhãn tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên – cho biết, năm nay nhãn được mùa, đây cũng là thời điểm chính vụ để thu hoạch, gom nhãn cho các thương lái đến mua.
“Nếu như không có dịch bệnh, thời điểm này, có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp bán lẻ đến thu mua theo hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động tạm ngừng, hơn 150 gốc nhãn tại vườn đã chín nhưng vẫn đang phải nằm chờ để được thu hoạch. Từ đầu mùa đến giờ, các hộ xung quanh phải bẻ nhãn mang đến lò sấy nhiều, việc bị ép giá là không thể tránh khỏi”, anh Sáng chia sẻ.
Theo anh Sáng, với giá bán tại các lò sấy khô, các chủ hộ bị ép giá rất thấp, chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Với giá này, khó bù lại chi phí chăm sóc, phân bón và thuê nhân công.
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, năm 2021 tổng diện tích trồng nhãn toàn tỉnh lên đến 4.800ha, sản lượng ước đạt 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn từ 15 - 20% so với năm trước.
Song, khó khăn tại hộ gia đình anh Sáng là điều dễ hiểu, bởi không chỉ riêng Hưng Yên, mà nhiều mặt hàng nông sản thời điểm này tại các tỉnh, thành đều gặp khó trong việc đưa đi tiêu thụ và xuất khẩu sang nước ngoài do tình hình dịch phức tạp.
Trước tình hình này, nhiều giải pháp được Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đưa ra, nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trước mắt trong việc tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu của Hưng Yên.
Doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Kim Hưng cho biết, được sự ủy thác của sở Công Thương Hưng Yên, cùng sự đồng hành của hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, công ty đã kết nối thành công, có các đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ cho khoảng hơn 60 hộ trồng nhãn của Hợp tác xã trong tỉnh.
“Chúng tôi đã và đang tiếp tục nỗ lực để xúc tiến nhãn lồng Hưng Yên được bày bán tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ ở Hà Nội, tại sàn thương mại điện tử trong nước, việc tiêu thụ cũng đạt khoảng vài chục tấn, phần nào đó có thể giúp đỡ bà con trồng nhãn”, bà Hiền nói.
Theo đánh giá của bà Hiền, nhãn lồng Hưng Yên đặc trưng quả to, cùi dày giòn có gân, ráo nước, vị ngọt đậm, hương thanh mát riêng biệt. Hưng Yên có nhiều giống nhãn đặc sản khác nhau như Hương Chi, Miền Thiết. Riêng nhãn Đường Phèn được đánh giá là đứng đầu về chất lượng.
Cũng theo lãnh đạo công ty Kim Hưng, hiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, những khó khăn trong việc vận chuyển đang là bài toán cần giải quyết. Việc vận chuyển chậm trễ, bị ách tắc khiến sản phẩm không đảm bảo được chất lượng càng gây khó cho việc tiêu thụ.
Nói về việc xuất khẩu nhãn Hưng Yên sang thị trường nước ngoài, bà Hiền cho biết: “Các kênh tiêu thụ có khả năng tiếp cận và làm việc được thì chúng tôi đều nỗ lực hết mình, đảm bảo các cam kết để có thể xuất khẩu”.
Theo chia sẻ của bà Hiền, đối với các đơn hàng của Trung Quốc thì đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn nhưng lại gặp những hạn chế nhất định do các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch.
Có thể thấy rõ, thời gian qua thì việc vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu biên giới phía Bắc như cửa khẩu Tân Thanh, hay vận chuyển bằng đường biển đểu bị gián đoạn do các chính sách thắt chặt phòng dịch của nước bạn khiến việc xuất khẩu bị ùn tắc.
Về việc này, phía bộ Công Thương đã nhiều lần gửi văn bản với phía bộ Thương mại Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị phía bạn tạo thuận lợi cho thông quan, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ chuyển hàng khi đã có thoả thuận với khách mua hàng, có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng và các cam kết đảm bảo cho cả 2 bên. Các mặt hàng xuất khẩu sẽ được chọn mua từ các nhà vườn đạt tiêu chuẩn trồng của tỉnh Hưng Yên và có giấy chứng nhận VietGAP ”, bà Hiền cho hay.
Không chỉ riêng thị trường Trung Quốc, bà Hiền còn cho biết phía công ty còn đang chuẩn bị cho đơn hàng đi Nhật Bản và đang trong quá trình xây dựng phương án, đàm phán để xuất khẩu sớm sang Singapore, Canada trước khi hết vụ nhãn vào cuối tháng 9.
Bộ ngành hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, ngay từ đầu năm, nhằm chủ động trong công tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh, sở Công Thương đã làm việc với cục Xúc tiến thương mại (bộ Công Thương) tìm giải pháp mở rộng thị trường cho nông sản Hưng Yên.
“Tuy nhiên, thời điểm này, do tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, chính quyền địa phương đang nỗ lực để tìm cách tháo gỡ cho bà con nông dân”, ông Thơ nói.
Vị này cũng cho biết, để giúp nông dân tiêu thụ nhãn đạt hiệu quả cao, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như tổ chức mời gọi, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, đơn vị phân phối… tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nhãn quả của tỉnh, đưa quả nhãn của tỉnh Hưng Yên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ online, gian hàng trực tuyến…
Tỉnh cũng kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế, để tìm kiếm thị trường mới.
Hồi giữa tháng 7, UBND tỉnh Hưng Yên có tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 72 điểm cầu trong và ngoài nước, kết nối tiêu thụ nhãn và các nông sản khác, không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá.
Về phía bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại cho biết, sản lượng nhãn năm nay là tin vui với các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên song cũng đặt ra thách thức cho việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Hiện tại các đơn vị như doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp chế biến vẫn mua và tiêu thụ nhãn theo hợp đồng đã ký tại chương trình xúc tiến thương mại từ đầu vụ. Quả nhãn cũng có lợi thế là có thể sấy để chế biến long nhãn, nên không có tình trạng phải đổ bỏ.
“Phía bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm. Vừa qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã trồng nhãn của Việt Nam đã thuyết phục được đối tác nhận hàng mẫu để đánh giá. Nhiều đối tác đến từ các nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ, Hà Lan… đặc biệt quan tâm và giao dịch sâu về các đơn hàng nhập khẩu nhãn”, ông Phú cho hay.