Tin tức về tình hình Covid-19 hôm nay, Thủ tướng yêu cầu bỏ ngay “giấy phép con” cản trở lưu thông, hạn chót chiều 28.8. Trong công điện khẩn gửi các địa phương đêm qua, 26.8, Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với TP.HCM và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hóa. Tại cuộc họp, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống nhất việc lưu thông hàng hóa. Lý do, hiện nay một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng như: yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công thương trước khi vào địa phương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát về Bộ GTVT trước 15 giờ ngày mai 28.8, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác chống dịch Covid-19 tại Bình Dương. Sáng 27.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo tinh thần xuống tận nơi, mắt thấy tai nghe việc chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân tại xã phường. Chuyến làm việc nhằm đánh giá sơ bộ việc triển khai tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Bình Dương kể từ ngày 23.8, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường trong phòng chống dịch. Trưa cùng ngày 27.8, Thủ tướng Chính phủ và các đoàn trở về Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương để làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh này.
TP.HCM lấy gần 1 triệu mẫu test, 3,6% dương tính, kỳ vọng đến 15.9 rà hết F0. Về việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng ở "vùng đỏ", "vùng cam" tại TP.HCM bằng test nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho hay trong 3 ngày, từ 23.8 đến 25.8, thành phố đã xét nghiệm xấp xỉ 1 triệu mẫu test. Trong đó, kết quả ghi nhận được, ngày 23.8 có 3,5% mẫu test dương tính, ngày 24.8 khoảng 3,2% và ngày 25.8 xấp xỉ 3,8%. "Như vậy qua đánh giá của các nhà dịch tễ, mẫu dương tính tổng 3 ngày là 3,6%. Đồng thời, theo đánh giá của dịch tễ học thì dưới 5%, chúng ta có nghị lực quét được hết F0 từ đây đến ngày 15.9", ông Nam nói. Những ngày tới, TP.HCM sẽ tiếp tục test nhanh để đạt chỉ tiêu và tiếp tục test nhanh đợt 2.
TP.HCM dự báo F0 sẽ tăng trong thời gian tới. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23.8. Số lượng ca nhiễm Covid-19 (F0) dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, tuy nhiên người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế. Theo HCDC, tính đến 6 giờ ngày 27.8, có 194.596 trường hợp nhiễm Covid-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. TP.HCM đang điều trị 37.993 bệnh nhân F0, trong đó có 2.321 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 26.8 có 2.121 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1 đến nay là 97.719 bệnh nhân.
Vắc xin Nanocovax được Hội đồng Đạo đức chấp thuận. Chiều 27.8, theo thông tin từ Công ty cổ phần công nghệ Dược Nanogen, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a (giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3a) vắc xin Covid-19 Nanocovax của doanh nghiệp này. Theo đó, toàn bộ hồ sơ, dữ liệu nghiên cứu của vắc xin Nanocovax đã được chuyển sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vắc xin Nanocovax. Trước đó, Hội đồng Đạo đức đã họp, thẩm định báo cáo giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax, đánh giá về tính an toàn và sinh miễn dịch. Theo báo cáo, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An. Kết quả, vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn.
Thêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam. Sáng nay, 27.8, Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC), cho biết AstraZeneca vừa chuyển thêm 2 lô vắc xin Covid-19 về TP.HCM, với tổng số hơn 1,4 triệu liều. Đây là lần giao vắc xin thứ 10 và 11 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 giữa VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hiện hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam gần 8,2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trên tổng số gần 17 triệu liều vắc xin của AsrtraZeneca tại Việt Nam, được cung cấp qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước. Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca hiện chiếm khoảng 64% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM yêu cầu không để thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 tuồn ra thị trường. Sáng 27.8, thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19 đã được các cơ quan chức năng tại TP.HCM triển khai xuống quận, huyện, TP.Thủ Đức để phát cho F0 có triệu chứng cách ly tại nhà. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong túi thuốc dành cho F0 cách ly tại nhà hiện nay có 3 gói: Gói thuốc A (vitamin, hạ sốt… ), gói thuốc B (kháng viêm, chống đông máu) và gói thuốc C (thuốc Molnupiravir kháng vi rút Covid-19). PGS-TS Tăng Chí Thượng đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức, với gói thuốc C là loại thuốc kháng vi rút, chưa có trên thị trường nên phải kiểm soát đặc biệt. Thuốc phải đến tận tay F0 có triệu chứng nhẹ để uống, không dùng cho F0 không có triệu chứng. Không để thuốc tuồn ra thị trường buôn bán bất hợp pháp, người nào để tuồn ra sẽ chịu trách nhiệm.