Đơn kiện của hãng Blue Origin đã làm hợp đồng giữa SpaceX và NASA phải hoãn lại thêm một thời gian nữa. Tất nhiên điều đó không làm tỷ phú Elon Musk, CEO của SpaceX, không hài lòng chút nào về đối thủ Jeff Bezos.
Trước đó vào đầu tháng này, hãng Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã khởi kiện NASA về hợp đồng đưa người lên Mặt trăng mà cơ quan này dành cho SpaceX. Đơn kiện này đã tác động làm trì hoãn SpaceX tham gia vào dự án này.
Không chỉ vậy, vài ngày trước, hãng Amazon còn khuyến cáo Ủy bản Viễn thông Liên bang FCC hủy bỏ kế hoạch của SpaceX về việc phóng hàng nghìn vệ tinh lên trời để cung cấp internet vệ tinh cho dịch vụ Starlink.
Đáp lại với khiếu nại của Amazon, ông Musk đăng dòng tweet đầy mỉa mai: "Hóa ra ông Besos nghỉ hưu để làm một công việc toàn thời gian là khởi kiện chống lại SpaceX …" Thậm chí ông Musk dường như còn cố tình viết sai chính tả tên của ông Bezos (dòng tweet của ông Musk là Besos).
Trên thực tế, khiếu nại mới đây của Amazon không hoàn toàn là một vụ kiện pháp lý mà chỉ là một lá thư phản đối. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, không thể nói rằng Amazon không muốn SpaceX ra mắt dịch vụ internet vệ tinh Starlink, nhưng rõ ràng nội dung bức thư cho thấy ý định muốn kế hoạch này phải bãi bỏ.
Starlink hiện đang dựa vào 1,740 vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp quanh Trái Đất để phục vụ cho khoảng 90.000 khách hàng. Hiện SpaceX đang tăng tốc độ phóng để đưa khoảng 30.000 vệ tinh thế hệ thứ hai lên không gian để cải thiện dịch vụ internet này và vì vậy, SpaceX phải thông báo với FCC vị trí chính xác của chúng ở đâu xung quanh Trái Đất. Đơn khiếu nại của Amazon là về việc SpaceX đang yêu cầu FCC phê duyệt hai cấu hình vệ tinh hoàn toàn khác nhau trong một nhiệm vụ để thế hệ thứ hai được chấp nhận.
"Cách tiếp cận mới của SpaceX về việc đăng ký hai cấu hình loại trừ lẫn nhau là trái ngược với các quy tắc và chính sách công của FCC, và vì vậy chúng tôi kêu gọi Ủy ban loại bỏ chỉnh sửa này." Mariah Dodson Shuman, cố vấn pháp lý cho công ty con của Amazon, Kuiper Systems cho biết.
Bà Shuman cho rằng việc phải vật lộn với hai cấu hình vệ tinh khác nhau sẽ làm "gia tăng gấp đôi nỗ lực" của các nhà khai thác internet vệ tinh khác – bao gồm cả hãng Kuiper Systems của Amazon, hiện vẫn chưa phóng được bất kỳ vệ tinh nào. Công ty này cho rằng, cách làm của SpaceX sẽ làm các bên khác phải xem xét đến "các lo ngại về khả năng gây nhiễu và mảnh vỡ trong quỹ đạo" ngày càng gia tăng khi có đến hai cấu hình vệ tinh trên bầu trời.
Đề xuất của bà Shuman là SpaceX nên chọn lấy một cấu hình để hoạt động và rằng việc sử dụng 2 cấu hình vệ tinh sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho phép các nhà vận hành vệ tinh trong tương lai tạo ra nhiều rủi ro hơn cho toàn bộ ngành công nghiệp này.
Tham khảo The Verge
Nguyễn Hải
Pháp luật và bạn đọc