Khó khăn đang chồng chất trên vai nông dân ĐBSCL
Mưa dai dẳng trên diện rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long giữa lúc nông dân nhiều nơi còn đang thu hoạch lúa Hè Thu 2021. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi lúa chín đổ ngã nhưng không có máy gặt. Thực tế này khiến giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu so với thời điểm trước khi giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam thông tin, việc thu mua lúa gặp khó khăn tại hầu hết các địa phương thực hiện giãn cách vì thương lái phải thực hiện 5K và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy xác nhận đi mua lúa.
Tương tự, tại Tiền Giang, nơi chiếm 15% lượng trái cây của cả nước, giá trái cây giảm sâu cùng với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang tạo áp lực rất lớn lên nông dân.
Vụ thu hoạch lúa Hè Thu dự kiến cho sản lượng hơn 8,5 triệu tấn. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo tờ Diễn đàn doanh nghiệp, sản lượng trái cây Tiền Giang trong tháng này gần 25.000 tấn, trong đó quả thanh long tiêu thụ rất chậm.
Tập trung nguồn vốn thu mua lúa gạo Hè Thu
Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Theo báo Lao động, việc thu mua lúa gặp khó khăn cũng có nguyên nhân từ việc các địa phương áp dụng thời gian hiệu lực của xét nghiệm COVID-19 khác nhau, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển.
Một số nhà máy của doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì không chịu nổi các chi phí phát sinh về xét nghiệm và thực hiện "3 tại chỗ".
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn dối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo, đồng thời xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo.
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đây là những biện pháp ứng phó hết sức kịp thời của Chính phủ để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn.
Một mũi tên cần trúng 2 đích
Tờ Nông thôn ngày nay bình luận, xuất cấp gạo cứu trợ người dân chống COVID-19 đã trúng một đích và rất cần tiếp tục trúng đích thứ hai, đó là thu mua lúa cho nông dân. Lý do là khi đã xuất cấp hàng trăm ngàn tấn gạo, thu mua lúa gạo dự trữ cũng cần thiết để bù vào khoảng trống trong kho.
Sự ra tay của nhà nước lúc này giải quyết được bài toán bình ổn giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long khi vụ Hè Thu dự kiến cho sản lượng hơn 8,5 triệu tấn và với giá lúa như hiện nay, nông dân không có lãi.
VTV.vn - Đây là yêu cầu được Ngân hàng nhà nước đưa ra trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.95703311192801202-hcid-iah-gnurt-nac-net-ium-tom-hcid-gnohc-oag-pac-taux/et-hnik/nv.vtv