Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 9/6/2021, Công ty CP Đầu tư tổng hợp Đồng Nai Donacoop ( Công ty Donacoop) gửi thông báo đến UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Y tế cho biết họ đã tham gia đàm phán với hai nhà sản xuất cung cấp vắc -xin là Công ty Pfizer - BioNtech và Công ty Janssen của Mỹ để nhập khẩu vắc xin. Ngày 10/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị bộ này tạo điều kiện cho Công ty Donacoop nhập khẩu vắc- xin phòng COVID-19.
Ngày 11/6, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản gửi 2 ông lớn chuyên về vắc- xin là Pfizer và Janssen về việc hỗ trợ doanh nghiệp được kết nối mua vắc -xin COVID -19 đề nghị hai công ty sản xuất vắc-xin nói trên tạo điều kiện cho Công ty Donacoop đồng thời Cục này cũng hướng dẫn Công ty Donacoop làm việc với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc-xin để sớm hoàn thiện hồ sơ.
Mới đây, tin nóng sốt trở lại khi ngày 10/8, Công ty Donacoop thông báo "đã đàm phán xong với hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất giá mua vắc- xin". Theo báo cáo của Donacoop là hai bên thống nhất số lượng và thời gian giao vắc xin Pfizer trong 2 đợt: Đợt 1 là 5 triệu liều vào cuối tháng 8/2021. Đợt 2: các lần giao vắc- xin kế tiếp cách nhau 7 ngày mỗi đợt. Đến ngày 15/9 sẽ giao đủ 15 triệu liều.
Sau khi đàm phán xong, hãng dược Pfizer cũng đã gửi hợp đồng chính thức cho Công ty Donacoop ký kết. Trong công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Donacoop còn cho biết sẽ mở L/C đảm bảo thực hiện hợp đồng; đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện và hỗ trợ công ty cấp phép cho Công ty Donacoop nhập khẩu vắc-xin và giúp công ty tiếp nhận vắc-xin Pfizer tại sân bay Tân Sơn Nhất và vận chuyển về kho bảo quản.
Ngày 25/8, Công ty Donacoop tung ra văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế liên quan đến công văn của tỉnh Đồng Nai về việc xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop nhập khẩu vắc- xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer. Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quán triệt thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc- xin phòng COVID-19. Bộ Y tế phải quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vắc -xin, tổ chức tiêm miễn phí cho người dân.
Đại diện pfizer tiếp tục phủ nhận
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế nhập khẩu, cho rằng những văn bản kiểu "xã giao" như văn bản mà Cục Quản lý Dược, gửi các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nào đó ở nước ngoài, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp nước mình là chuyện hết sức bình thường, và diễn ra thường xuyên. Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp trong nước sẽ nhập khẩu được sản phẩm nhờ vào công văn từ Việt Nam. Quan trọng vẫn là quy định và nguyên tắc cung cấp của đối tác.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Pfizer Việt Nam tiếp tục khẳng định họ chưa bao giờ làm việc với Công ty Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam. "Quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vắc-xin cho cấp Chính phủ"- thông tin từ Pfizer nêu rõ. Theo Pfizer họ chỉ ký kết và chịu trách nhiệm với hàng được ký kết trực tiếp với Chính phủ, không chịu trách nhiệm với hàng trôi nổi. Hiện Pfizer chưa cung cấp vắc -xin cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược cho rằng, để được cấp "visa" vắc- xin vào Việt Nam, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh được hồ sơ pháp lý đầy đủ, có xác nhận của hãng Pfizer và cấp chứng nhận vắc- xin từ hãng. "Trong khi hãng Pfizer không làm việc qua trung gian và doanh nghiệp tư nhân thì không biết nguồn vắc - xin lấy từ đâu?"- đại diện này nói. Ngoài ra, Công ty Donacoop không nằm trong danh sách 26 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vắc- xin. Và điều kiện đưa vắc- xin về thì phải bảo quản ở đâu? Kho lạnh có đạt chuẩn âm sâu -60 đến -80 độ vẫn chưa thấy báo cáo phương án.
Một chuyên gia về vắc- xin cho biết, vắc- xin đang được cấp phép khẩn cấp nên các hãng chỉ thông qua Chính phủ mà không bán cho tư nhân vì nhằm tránh bị lũng đoạn thị trường, tăng giá.
Ngọc Lâm
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.50321948003801202-uad-ned-taht-us-rezifp-nix-cav-ueil-ueirt-51-pahn-peihgn-hnaod/nv.zibefac