Sau nhiều năm chờ đợi, hai dự án gồm xây dựng hạ tầng - cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và xây dựng nút giao An Phú đã được HĐND TP.HCM khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 25 và đã được Chính phủ chấp thuận.
Đây là hai dự án trọng điểm được TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT bố trí vốn để thi công giai đoạn 2021-2025, nhằm liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM và khu vực lân cận.
Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Nhiều năm chờ đợi tuyến kênh được cải tạo
Dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có nhiều đoạn bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt rác thải và cỏ mọc phủ kín mặt kênh. Tình trạng này làm tắc nghẽn tuyến lưu thông đường thủy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực.
Dự án xây dựng hạ tầng - cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (đi qua địa bàn bảy quận, huyện gồm: 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh) có tổng vốn đầu tư 8.200 tỉ đồng. Dự án được đề xuất triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách TP đối ứng 4.200 tỉ đồng.
Sau khi được tin TP chính thức ấn định thời gian và bố trí vốn thực hiện dự án, nhiều người dân sinh sống trên ba tuyến kênh bày tỏ vui mừng. Ông Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết: “Nhiều năm rồi người dân chờ đợi tuyến kênh này được cải tạo. Nước kênh đen dần theo thời gian, trên bờ thì chất đầy rác, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa mưa. Bây giờ chỉ mong dự án nhanh chóng khởi công và hoàn thành càng sớm càng tốt”.
Đối với dự án xây dựng nút giao An Phú, dự án cũng được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công với tổng mức đầu tư 3.926 tỉ đồng, riêng chi phí xây dựng khoảng 2.600 tỉ đồng. Dự kiến trong năm nay, TP sẽ lập thẩm định và phê duyệt dự án, lựa chọn tư vấn lập thiết kế công trình.
Năm 2022, TP sẽ lập thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, đồng thời lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát để khởi công công trình. Từ năm 2023 đến 2024 là giai đoạn thi công hoàn thành, trong đó năm 2024 lập hồ sơ quyết toán công trình.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong thời gian thi công cầm chừng, tạm dừng thi công nhiều dự án trọng điểm do dịch COVID-19, sở cùng nhà đầu tư mong các địa phương tranh thủ thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mặt bằng được bàn giao, nhà đầu tư sẽ tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các dự án về đích sớm nhất có thể. Ông Bằng kỳ vọng thời gian tới, tiến độ mặt bằng chùm dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Nam Lý, Tăng Long (TP Thủ Đức) sẽ có tiến triển tích cực. |
Kết nối liên vùng đường bộ lẫn đường thủy
Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết trong giai đoạn tiếp theo, quận tiếp tục kiến nghị TP sớm triển khai thực hiện dự án cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Quận kỳ vọng sau khi dự án hoàn thành, cuộc sống của người dân ven kênh được cải thiện. Đồng thời, dự án sẽ phát huy tốt chức năng thoát nước, đặc biệt thúc đẩy phát triển du lịch liên quận trên địa bàn TP.HCM như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cũng cho biết dự án cải tạo ba tuyến kênh sẽ giúp kết nối TP.HCM, tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn.
“Dự án hoàn thành sẽ hình thành tuyến giao thông đường bộ, đường thủy kết nối TP.HCM đi một số tỉnh miền Tây, miền Đông mà không đi qua trung tâm TP. Ngoài ra, dự án nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa. Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha” - vị đại diện này nói.
Về nút giao An Phú, theo Sở GTVT TP.HCM, đây là nơi giao nhau của ba hướng giao thông rất quan trọng gồm: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ liên thông về miền Tây và đường ra vào các cảng biển lớn của cả nước như Cát Lái, Sài Gòn.
Cũng theo Sở GTVT, khi hoàn thành, nút giao An Phú sẽ giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, làm thông thoáng các tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá cao việc TP thông qua chủ trương và ưu tiên vốn để thực hiện hai dự án trên. Bởi đây là hai dự án thúc đẩy cho TP và các tỉnh lân cận phát triển cả về đường bộ lẫn đường thủy. Đồng thời là hai dự án liên kết vùng có quy mô rất lớn, các bên cùng hưởng lợi, do đó TP phải có cơ chế phối hợp đồng bộ, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Sẽ xây 12 bến thuyền dọc kênh Tham Lương - Bến Cát Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bao gồm các hạng mục: Xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33 km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra tuyến kênh. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ xây 12 bến thuyền dọc tuyến kênh này. Dự án xây dựng nút giao An Phú được thiết kế ba tầng, gồm: Hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt. |