VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa ra thông báo rút kinh nghiệm về cách giải quyết một vụ tranh chấp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Vụ án này từng bị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy án phúc thẩm và sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Theo diễn biến vụ án, ngày 22-12-2018, TAND huyện Cư M’gar, Đắk Lắk có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Vợ chồng bà K có trách nhiệm phải trả cho bà L số nợ gần 380,5 triệu đồng vào ngày 30-12-2018.
Ảnh minh họa
Ngày 26-12-2018, vợ chồng bà K lập hợp đồng tặng cho con trai là anh B ba thửa đất trên địa bàn huyện gồm các thửa 37, 25 và 188. Ngày 28-12-2018, các thửa này được đăng ký biến động sang tên cho anh B.
Ngày 29-1-2019, anh B đã thế chấp cả ba thửa đất cho Ngân hàng TMCP Phương Đông để vay 350 triệu đồng, thời hạn vay 60 tháng, thủ tục vay và hợp đồng thế chấp đúng quy định pháp luật.
Bà L khởi kiện yêu cầu tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa vợ chồng bà K và con trai, hủy đăng ký biến động trên các giấy chứng nhận QSDĐ đối với ba thửa đất trên.
Ngày 29-11-2019, TAND huyện Cư M’gar xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa vợ chồng bà K và anh B đối với hai thửa đất số 37 và 188. Đồng thời, tòa kiến nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cư M’gar và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy giá trị pháp lý đối với hai giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho anh B.
Ngày 25-6-2020, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.
Sau đó, Ngân hàng Phương Đông Chi nhánh Đắk Lắk, Phòng giao dịch Ea Tam đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 4-2-2021, viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án sơ và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 26-4 chấp nhận kháng nghị.
Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, phía ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Nếu có tranh chấp về tài sản bảo đảm khoản vay của anh B tại ngân hàng, yêu cầu anh B hoàn thành mọi nghĩa vụ trả nợ, thanh toán hết số tiền vay.
Lẽ ra, tòa án cần xác định đây có phải là yêu cầu độc lập hay không để tiến hành thủ tục thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án thì mới triệt để.
QSDĐ đối với các thửa đất trên đang được thế chấp tại ngân hàng, giấy chứng nhận QSDĐ đang do ngân hàng giữ. Hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa anh B với ngân hàng được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định pháp luật nên ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong vụ án.
Tuy nhiên, tòa án chưa làm rõ, xem xét, đánh giá vấn đề này mà kiến nghị hủy đăng ký biến động việc tặng cho QSDĐ đối với anh B là chưa đủ cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.