Ngày 30-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cùng Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai và Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại Hoa Kỳ - Thành lập nhóm bác sỹ tư vấn từ xa cho F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh với sự lây lan nhanh của chủng Delta, tính từ khi làn sóng thứ 4 dịch bùng phát đến nay đã có 62 tỉnh, thành phố ghi nhận có người nhiễm COVID-19. Trong đó, TP.HCM và các địa phương phía Nam là nơi có tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp với số ca mắc chưa có dấu hiệu giảm, số người bệnh nặng và số ca tử vong vẫn còn gia tăng trong những ngày qua.
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm. Ảnh chụp màn hình.
PGS.BS Đoàn Đào Viên, Đại học Y khoa Riverside, Đại học California, Giám đốc Đoàn Y tế Samari Nhân Lành, chia sẻ với tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam, ông lo ngại cuộc chiến còn dài và những đồng nghiệp của ông không thể kiên trì được lâu. Từ đó, ông đề xuất sử dụng hệ thống Doxy.me TeleHealth, đây là hệ thống tư vấn từ xa kết nối với các bệnh nhân tại Việt Nam.
PGS.BS Lý T.Lương, Đại học Y Loma Linda, California, Chuyên gia truyền nhiễm, BS Uỷ ban Đánh giá tiêu chuẩn Bệnh viện Hoa Kỳ, cũng chia sẻ thực tế tại Mỹ. Ông cho biết ở Mỹ mỗi lần có lệnh giãn cách hay cách ly thì sau 2 đến 4 tuần ca nhiễm đi xuống, thời điểm nặng nhất ở Mỹ khoảng tháng 11-12-2020, lúc đó chưa có tiêm chủng, mỗi ngày nước Mỹ có đến mấy ngàn người tử vong. Sau khi tiêm chủng bắt đầu khoảng cuối tháng 12 thì số ca tử vong và nhiễm bệnh xuống rất nhanh.
BS Lý T.Lương cũng trả lời câu hỏi tại sao phải cách ly, theo ông COVID-19 lây nhiễm qua hô hấp hơi thở, giọt bắn. “Những giọt bắn khi ho xa bay đến 2 m, nhưng ho liên tục mà lại ở nơi không thoáng khí thì lượng virus trong không khí càng ngày càng nhiều hơn, ở lâu hơn và có thể bay xa từ 5 đến 10 m” - ông nói.
Đề cập đến vấn đề điều trị với bệnh nhân nhiễm COVID-19, BS Đoàn Đào Viên cho rằng cần chăm sóc về tinh thần. Ông dẫn chứng có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỉ lệ tử vong ở Việt Nam chỉ khoảng 2,5 % còn thấp hơn tại Mỹ, có nghĩa là gần 98% bệnh nhân dương tính còn sống.
“Điều đầu tiên chúng ta cần làm là không nên hoảng hốt, lo lắng quá, cần phải ở nhà khi cần chăm sóc y tế” - ông bày tỏ.
Ông cũng đưa ra lời khuyên, mọi người nên chăm sóc cho cơ thể của mình, ăn uống điều hòa trở lại, không nên nằm suốt cả ngày, đừng ở trong phòng tối. Lấy ví dụ ở Mỹ thường mùa đông bệnh trầm cảm nhiều hơn do ở trong nhà nhiều quá, cơ thể không được thoải mái, từ đó nếu ở trong phòng cách ly thì nên mở cho có ánh sáng vào và đi lại thường xuyên ở trong phòng. Ông cũng đưa ra lời khuyên đừng hút thuốc, uống rượu nhiều quá.
PGS. BS Lê Trần Hoàng, Đại học Y Arizona, Chuyên khoa Hô hấp và hồi sức cấp cứu, Chủ tịch Y Đoàn Bệnh viện Fountain Valley, CA, cũng cho rằng điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu, đồng thời nêu quan điểm: Cuộc chạy này là cuộc chạy rất dài, cần có sức lực và tinh thần để hi vọng đánh hết bệnh trong thời gian ngắn hơn.
Tại tọa đàm, một số nội dung cũng được chia sẻ như xử trí người bệnh COVID-19 ngoại trú và thành lập nhóm BS hỗ trợ tư vấn từ xa cho Đồng Nai và Tiền Giang; Điều trị nội trú người bệnh COVID -19; Cập nhật chẩn đoán và trình bày vấn đề điều trị người bệnh nhiễm COVID -19; Can thiệp cấp cứu người bệnh COVID -19,…