Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng giảm. Chiều 30.8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn. Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết tính đến 6 giờ ngày 30.8, TP.HCM có 210.425 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 209.980 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị cho 40.133 bệnh nhân, trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 29.8 có 245 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 8.869). Về số liệu tử vong do dịch Covid-19 tại TP.HCM từ ngày 22.8 - 30.8, ông Hải cho biết có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 22.8 là 340 ca, ngày 23.8 tử vong 292 ca, ngày 24.8 là 266 ca, ngày 25.8 là 242 ca, ngày 26.8 là 287 ca, ngày 27.8 là 271 ca, ngày 28.8 là 256 ca và ngày 29.8 tử vong 245 ca.
TP.HCM đã có hơn 107.000 bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Theo cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, trong ngày 29.8, TP.HCM ghi nhận 4.931 ca nhiễm Covid-19, trong đó gồm 3.593 F0 cộng đồng, 170 F0 trong khu phong tỏa, 168 F0 trong khu cách ly, sàng lọc tại bệnh viện là 1.000 ca. Ngoài ra, cũng theo cổng thông tin này, trong ngày 29.8, số ca nhiễm xuất viện là 2.246, nâng tổng số ca nhiễm xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 107.130 trường hợp. Trong ngày 29.8, TP.HCM đã tiêm 32.603 mũi vắc xin Covid-19, nâng tổng số vắc xin TP.HCM đã tiêm cho người dân là hơn 5,8 triệu mũi. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, F0 tăng cao là do TP xét nghiệm tầm soát cộng đồng diện rộng, và F0 cộng đồng tăng cao nằm trong dự liệu của ngành y tế.
TP.HCM: 209.980 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 104.844 bệnh nhân hồi phục |
Pfizer Việt Nam khẳng định không phân phối vắc xin cho tư nhân. Ngày 30.8, trả lời Thanh Niên xung quanh có hay không việc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop đàm phán thành công để mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer, đại diện Pfizer tại Việt Nam cho hay, hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu. "Chúng tôi xin khẳng định lại rằng không có vắc xin nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Hiện tại, không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vắc xin của chúng tôi trên toàn thế giới", đại diện Pfizer tại Việt Nam khẳng định. Xung quanh nội dung liên quan đến việc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop tham gia mua vắc xin của hãng dược Pfizer từ tháng 6.2021, cũng như khẳng định của doanh nghiệp này đã đàm phán mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer vào ngày 10.8, đại diện Pfizer tại Việt Nam không trả lời.
TP.HCM lấy mẫu test nhanh đợt 2 tại vùng đỏ, vùng cam. Sau 7 ngày tăng cường giãn cách xã hội (từ ngày 23.8 - 29.8), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết TP đã đạt được một số kết quả nhất định. Đợt 1 test nhanh tại các khu vực nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và nguy cơ cao (vùng cam), TP.HCM đã lấy 1.677.154 mẫu, trong đó có 64.299 ca dương tính, chiếm tỷ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm. Đến ngày 1.9 sẽ phải thực hiện xong xét nghiệm đợt 2 tại vùng đỏ, vùng cam. Đối với công tác xét nghiệm RT-PCR Covid-19 tại vùng xanh, vùng cận xanh, vùng vàng đến ngày 31.8 phải xong đợt 1, và đợt 2 đến ngày 6.9 phải xong, để TP phân loại lại các vùng nguy cơ. Về công tác an sinh, tính từ ngày 15.8 đến nay, TP.HCM đã triển khai tổng cộng 960.000 túi an sinh xuống 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Vận động hơn 20.000 chủ nhà trọ, miễn giảm giá thuê cho 273.728 phòng, tương đương hơn 158 tỉ đồng.
TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin Covid-19. Sáng 30.8, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 29.8 TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 27.000 người, thấp nhất trong chiến dịch tiêm đợt 5 vì TP đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Như vậy, qua 5 đợt tiêm vắc xin Covid-19, tính đến nay (30.8), ngành y tế TP.HCM đã tiêm được cho hơn 5,8 triệu người. Trong khi đó, các bệnh viện bộ ngành trên địa bàn TP cũng đã tiêm cho gần 300.000 người. Tổng cộng, TP.HCM tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2. TP.HCM đã sử dụng 4 loại vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân, gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Vero Cell. Hiện các quận, huyện, TP.Thủ Đức đang rà soát trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi để có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19.
TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Nhân dân 115 (đường Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP.HCM) trực thuộc Sở Y tế (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 Nhân dân 115). Bệnh viện điều trị Covid-19 Nhân dân 115 có quy mô 500 giường, gồm 60 giường hồi sức và 440 giường hồi sức cấp cứu. Bệnh viện này có 840 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác. Bệnh viện điều trị Covid-19 Nhân dân 115 hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Nhân dân 115, sử dụng con dấu và tài khoản của Bệnh viện Nhân dân 115.
Q.7 (TP.HCM) giãn dân ra nhà trọ, khách sạn. Đến sáng 30.8, các phường tại Q.7 vẫn đang thống kê danh sách người dân có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống các khu nhà trọ, nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, trong hẻm sâu dưới 2 m có nhu cầu chuyển sang chỗ ở mới, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, theo kế hoạch giãn dân của địa phương. Cụ thể, các đối tượng ưu tiên gồm người từ 65 tuổi trở lên, người béo phì chưa nhiễm SARS-CoV-2 có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại các khu vực nói trên của 10 phường. Các đối tượng có nhu cầu sẽ được chuyển đến các nhà trọ, khách sạn do phường vận động để lưu trú tạm thời, thời gian dự kiến đến hết ngày 15.9. Tại nơi lưu trú tạm thời, người dân được thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, được hỗ trợ về đời sống, chăm sóc về y tế, góp phần hạn chế tối đa việc lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến tình hình Covid-19 hôm nay, Bộ LĐ-TB-XH công bố những địa phương chậm triển khai gói hỗ trợ Covid-19. Ngày 30.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng; 1,2 triệu lao động tự do với tổng số 2.180 tỉ đồng đã được nhận và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ. Tuy nhiên, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long. 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên. 5 tỉnh, thành chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc, gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên. 3 địa phương chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.