Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ghé thăm một số gia đình F0, tìm hiểu tâm tư tình cảm của họ khi cách ly điều trị tại nhà - Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Đó là đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - trong buổi kiểm tra, đôn đốc việc chăm sóc F0 tại nhà của các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM ngày 30-8.
Bên cạnh dành thời gian kiểm tra thực tế tại 2 trạm y tế lưu động, bao gồm Trạm y tế lưu động 13 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè); Trạm y tế lưu động số 6 (quận 4), Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn thăm một số gia đình có F0, tìm hiểu tâm tư tình cảm của họ.
Chia sẻ tình hình phát túi thuốc cho F0, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - trưởng Trạm y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) - cho biết các trường hợp sau khi test nhanh có kết quả dương tính, đơn vị sẽ tiến hành sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định lại bằng RT-PCR. Từ đó mới lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển thông tin cho trạm y tế lưu động phát thuốc.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ngay lập tức chấn chỉnh: "Theo hướng dẫn mới, nếu test nhanh dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR ngay. Nếu trông chờ xét nghiệm RT-PCR sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Cứ ai có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ".
Theo thứ trưởng, chỉ những ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung, lúc ấy mới lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm RT-PCR có nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) cũng cho F0 theo dõi ở nhà.
Ông yêu cầu các trạm y tế lưu động ở Nhà Bè phát nhanh nhất túi thuốc cho F0, bởi họ cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn yêu cầu các địa phương cần phải đưa cho người dân và các F0 ít nhất các số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn. Ngoài thông báo, cần in ra giấy phát cho các hộ gia đình.
"Các y bác sĩ quân đội và các lực lượng khác đang trực tiếp theo dõi chăm sóc F0 tại nhà phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh một cách kịp thời nhất. Cùng với đó cần động viên, tư vấn cụ thể, không để những người nhiễm COVID-19 hoảng loạn, thiếu thuốc" - thứ trưởng đề nghị.
TP.HCM đang có những loại thuốc kháng virus nào?
Ngoài loại thuốc Remdesivir (thuốc kháng virus truyền tĩnh mạch) được Bộ Y tế phân bổ đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng, có bệnh lý nền ở tầng 2; mới đây ngành y tế TP.HCM được phân bổ 16.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống áp dụng cho tầng 1.
Đây là loại thuốc rất mới, dùng điều trị cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Thuốc này được đánh giá là "vũ khí" rất hữu hiệu, được các nước sử dụng bước đầu cho thấy rút ngắn được thời gian virus tồn tại trong cơ thể người, kéo theo việc giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỉ lệ tử vong.
TTO - Túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) nằm trong chương trình của Bộ Y tế và cho phép nhập 116.000 liều nên khi đưa xuống các địa phương sẽ xảy ra tình trạng thiếu, trong khi đó tâm lý người bệnh ai cũng muốn nhận đủ thuốc.