Sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (BV dã chiến số 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM), ông Bùi Văn Chí đã được xuất viện và thực hiện cách ly tại nhà.
Hiện tại ông mong mỏi bản thân mau khỏe, sớm gặp lại cháu ngoại và đến chùa nhận tro cốt của vợ.
Ông Chí và bé H. chia tay nhau ở BV dã chiến số 4. Ảnh: NGHI HỒNG
Tận lực chăm sóc vợ những ngày cuối cùng
Nằm một mình trong căn phòng trọ nhỏ ở ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, ông Chí thường lấy điện thoại gọi cho họ hàng, bạn bè để tâm sự. Ông rất sợ bản thân rảnh rỗi, bởi khi đó ông sẽ nhớ đến những ngày đầm ấm cách đây không lâu.
Ông nhớ lại hồi đầu tháng 8-2021, mẹ vợ của ông nhiễm COVID-19 rồi qua đời tại BV. Sau khi lo chuyện hậu sự cho bà xong, vợ chồng ông Chí và cháu ngoại cũng phải đi cách ly, điều trị tại BV dã chiến số 4.
Những ngày đầu, vợ chồng ông đều không có triệu chứng bất thường. Mỗi ngày, hai vợ chồng đưa nhau xuống Khoa cấp cứu của BV lấy thuốc về phòng uống.
Khoảng ngày điều trị thứ sáu, vợ ông bất ngờ trở nặng, được đưa xuống phòng cấp cứu để theo dõi. Dù bản thân cũng mắc COVID-19 nhưng ông Chí vừa chăm vợ vừa chăm cháu ngoại mới tám tuổi.
Lâu lâu vợ than khát nước, đói, ông đút nước, đút sữa, cháo. Ông cẩn thận pha nước ấm lau người cho vợ, chăm cả chuyện vệ sinh. Mỗi lúc chỉ số SpO2 của vợ giảm, ông lại rối rít gọi bác sĩ (BS) đến hỗ trợ. BS kiểm tra xong, ông lại động viên, vỗ lưng, an ủi bà.
Có hôm vợ uống được ba ly sữa nóng, ăn được chút cháo, ông mừng rơn, khoe từ BS cho đến các F0 khác trong BV. Thấy vợ ngày một tỉnh táo, ông Chí quên hết mệt mỏi. Tuy vậy, sau vài ngày điều trị, vợ ông khạc ra máu, chỉ số SpO2 liên tục bất ổn. Ngay lập tức bà được chuyển sang BV tuyến trên để điều trị.
Lúc vừa lên xe cấp cứu, dù đang mê man nhưng vợ ông cố mở mắt và gọi: “Anh ơi, lên xe đi với em!”. Ông quay mặt khóc nức nở. Dù rất muốn nhưng ông không thể nào theo bà đến BV khác.
Xe cấp cứu đi khuất, ông vội vã về phòng tiếp tục chăm cháu gái. Loay hoay cho cháu ăn trưa xong, ông nhận được điện thoại từ BV tuyến trên, nơi vợ vừa được chuyển đến. Linh cảm có chuyện không hay, ông chạy vội ra hành lang nghe máy. Tin xấu báo đến là vợ ông đã qua đời…
Được tiếp sức trong lúc nghĩ quẩn
Vài BS biết ông liên tiếp mất đi người thân nên chủ động hỏi han. Có hôm ông gọi điện thoại xin thuốc uống, BS còn ân cần hỏi ông có mệt không, có tự đi từ tầng ba xuống tầng trệt được không… Ông nói BS bận lắm, ông tự đi được, chứ hễ ông than mệt thì BS sẽ mang thuốc lên tận nơi.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh một ngày sống không có vợ bên cạnh. Khi xúc động, tôi bị mệt dữ lắm. Thấy tôi khó thở do khóc nhiều, các BS ở phòng cấp cứu luôn để mắt đến, khuyên tôi bình tĩnh, trấn an rằng tôi còn đứa cháu ngoại đang cần được chăm sóc…” - ông Chí kể.
Cháu gái ông khỏi bệnh trước nên được gửi về Long An, nhờ người thân ở đó chăm sóc. Các F0 khác cũng lần lượt ra về, phòng còn lại mình ông buồn hiu hắt. Sợ ông nghĩ quẩn, các BS dồn các F0 trẻ khỏe đến ở cùng phòng với ông. BS nói hễ ông nhớ người nhà, xúc động sẽ khó thở nên để thanh niên ở cùng, có gì còn giúp đỡ.
Những F0 mới đến ở cùng phòng đã được các BS dặn dò trước nên họ thường trực hỗ trợ ông, tìm chuyện vui để kể cho ông bớt nghĩ quẩn.
Dịch bệnh khiến đau đớn tột cùng nhất cũng không thể giải quyết bằng nước mắt, ông bắt buộc bản thân cố gắng và cố gắng. Cứ vậy, ông Chí tập hít thở, uống thuốc, ráng bồi dưỡng…
Ông nói: “Hết dịch, tôi đi làm thuê làm mướn để lo cho cháu ngoại. Khó khăn gì thì cũng có hai ông cháu sống với nhau. Tôi nhận nghĩa tình của mọi người quá nhiều rồi”.•
“Tôi mang ơn cô ấy nhiều lắm” Lúc ở BV, tôi phải dành nhiều thời gian chăm vợ nên cháu nhỏ đều trông cậy vào các F0 ở cùng phòng. Trong đó, một nữ F0 tên Như Ý, quê Sóc Trăng, lên TP.HCM làm công nhân đã rất tận tình chăm sóc cháu gái của tôi. Cô ấy chăm lo cho bé H rất chu đáo, từ chuyện tắm rửa cho đến ăn uống suốt hơn một tuần. Tôi mang ơn cô ấy nhiều lắm. Khi nào thật khỏe, hết dịch, tôi sẽ chở cháu đến chỗ cô ấy để cám ơn. Ông Bùi Văn Chí, ngụ ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh |