Chơi game để giết thời gian, gần 4 tháng chưa được cắt tóc
Trước diễn biến của dịch bệnh, Thường Trực Thành Uỷ Hà Nội ngày 20/8 đồng ý thành phố tiếp tục giãn cách toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn thành phố.
Hà Nội tiếp tục triển khai các chốt phòng dịch kiểm soát người ra vào thành phố. Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng,... tiếp tục tạm thời đóng cửa, vì thế mà người lao động mất việc, sinh viên bị mắc kẹt buộc phải ở lại thành phố cho đến khi có thông báo mới.
Nghe thông báo của TP, em Nguyễn Quốc Chinh (19 tuổi, sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh) quê TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam không ngạc nhiên bởi tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp.
Ký túc xá Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Sinh viên chỉ ra ngoài khi mua thực phẩm
Buổi trưa tại hành lang ký túc xá cũng vắng bóng sinh viên ra ngoài
Gần 1 tháng giãn cách xã hội, Chinh chỉ biết ngồi chơi game, xem phim, tập thể dục, nấu ăn… để "giết thời gian". Chinh kể, do thi học kỳ đã hoàn tất và đang trong thời gian nghỉ hè nên cậu khá nhàn rỗi.
Lẽ ra, chàng sinh viên đang có đợt nghỉ hè bên người thân ở quê nhưng vì dịch Covid-19 nên 4 tháng qua cậu chưa về nhà. Những ngày giãn cách, Chinh chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng có bạn ở cùng nên đỡ buồn phần nào. Bên cạnh đó, trong phòng cũng đầy đủ thức ăn nên Chinh cũng an tâm phần nào.
Căn phòng của 2 sinh viên Nguyễn Quốc Chinh và Lê Kỳ Tuấn
Thời gian rảnh Chinh sẽ tập thể dục, nấu ăn, chơi game
Thực phẩm trong phòng của 2 nam sinh vẫn khá đầy đủ
Trong khi đó, Tuấn vẫn có thể làm thêm online trong thời gian giãn cách
Điểm chung của các sinh viên đang bị "mắc kẹt" tại ký túc xá là nhiều tháng liền chưa về quê
"Trong tủ lạnh em cũng mua đầy đủ lương thực để yên tâm ở tại phòng trọ. 4 tháng rồi em chưa cắt tóc nên chờ tới ngày hàng quán mở cửa lại việc đầu tiên em sẽ làm đó là đi cắt tóc sau đó sửa soạn về quê với gia đình ít ngày. Khá lâu rồi em chưa về quê nên rất nhớ bố mẹ", Chinh nói.
Cùng phòng với Chinh, nam sinh Lê Kỳ Tuấn (20 tuổi, quê Buôn Ma Thuột), sinh viên năm 1, chuyên ngành Kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, bản thân hơn nửa năm qua chưa về quê. Một phần vì đường xa, thứ 2 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuấn chia sẻ, đang làm thêm phân tích dữ liệu cho một công ty. Dịch bệnh cậu ở phòng làm online, công việc thường bắt đầu từ tối cho tới khuya mới kết thúc. "Giờ em mong hết dịch sẽ thu xếp về quê ít ngày. Em cũng thường xuyên động viên bố mẹ ở nhà yên tâm vì Hà Nội công tác phòng chống dịch rất tốt, mọi việc đều trong tầm kiểm soát. Mong sao dịch bệnh qua đi để mọi người có thể tiếp tục trở lại cuộc sống bình thường", Tuấn tâm sự.
Chuẩn bị sẵn tâm lý cho đợt giãn cách lần 3
Trong khi đó, nữ sinh viên năm nhất Trần Thị Ước (19 tuổi, quê quận Hải An, Hải Phòng) Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, hiện đang ở cùng 2 nữ sinh khác trong phòng ở ký túc xá của trường. Cả ngày, 3 người chỉ quanh quẩn trong gian phòng rộng khoảng 20m2. Cô chỉ ra ngoài khi mua thực phẩm tại căng tin của trường rồi lại trở về phòng.
Ước cho biết, gần hết đợt giãn cách lần 2, trong đầu cô đã chuẩn bị tâm lý cho đợt giãn cách lần 3. Những ngày đầu khi thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội cô thấy buồn vì cả ngày chỉ ở phòng thay vì được thoải mái khi được đến trường, ra đường chơi hay giao lưu cùng các bạn.
Nữ sinh Trần Thị Ước
Cả ngày Ước và 2 người bạn cùng phòng chỉ quanh quẩn trong nhà
"Ngày 27/8 vừa qua là sinh nhật em tròn 19 tuổi. Ban đầu em nghĩ chờ đến ngày đó dự định sẽ hẹn bạn bè đi ăn và đón sinh nhật đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên, em nghĩ Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố là điều rất cần thiết", Ước chia sẻ.
"Không được đi đâu em có chút bức bối nhưng sau cũng dần thích nghi. Thi học kỳ xong khá rảnh rỗi em tập thể thao, nấu ăn, nói chuyện với các bạn cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngày nào mẹ cũng gọi điện hỏi thăm ‘ăn cơm chưa, đang làm gì, dịch thế nào, con thi cử xong chưa, khi nào hết giãn cách về nhà...Hơn 2 tháng rồi em chưa được về nhà nên cũng nhớ bố mẹ, nhớ quê", Ước kể
Nữ sinh này cũng cho biết, bản thân luôn động viên người thân yên tâm khi ở lại trường. Nhà trường cũng hỗ trợ sinh viên nhu yếu phẩm như mì tôm, trứng, rau… trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Nữ sinh Trần Thị Ước Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đang nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa
Thời gian còn lại họ chỉ biết ngồi xem điện thoại, tập thể dục, đọc sách...
"Khi giãn cách xã hội em có nhiều thời gian ở nhà để xem xét lại bản thân, trau dồi kỹ năng. Giãn cách là điều rất cần thiết, hiệu quả mang lại trong công tác phòng chống dịch tại thủ đô mọi người có thể dễ dàng trông thấy rõ", Ước nói thêm.
Ông Dương Đức Loan, Trưởng ban quản lý ký túc xá Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện có hơn 500 sinh viên đang lưu trú tại ký túc xá của trường. Trong đó có 400 sinh viên Việt Nam, 144 sinh viên Lào, Campuchia.
"Những ngày giãn cách xã hội, nhà trường hỗ trợ các sinh viên mì tôm, trứng, rau, ngày 19/8 hỗ trợ các em hơn 400 suất ăn. Tất cả trên tinh thần không để các em thiếu thốn thực phẩm", ông Loan thông tin.
ĐINH HUY
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ