Rao bán khách sạn ở nhiều nơi
Một khách sạn trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM có diện tích 88 m2, bao gồm 32 phòng khách sạn, đang được rao bán với giá 110 tỷ đồng. Tính ra, mỗi m2 ở đây được rao với giá hơn 1,25 tỷ đồng.
Cũng tại quận 1, trên đường Nguyễn An Ninh, một khách sạn khác với 26 phòng, tổng diện tích 87 m2 được rao giá 90 tỷ đồng. Mỗi m2 cũng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng.
Nhiều khách sạn khác tại TP HCM, chủ yếu ở khu quận 1, cũng được đăng tin rao bán với giá xấp xỉ 1 tỷ đồng/m2 hoặc thấp hơn, tùy vào vị trí, quy mô công trình.
Một số mẩu tin rao bán khách sạn tại quận 1, TP HCM trên một trang mua bán nhà đất. |
Tình hình khách sạn được rao bán cũng xuất hiện ở khu vực phố cổ Hà Nội, mức giá 1 - 2 tỷ đồng/m2 tùy vị trí. Lý do rao bán được nhiều môi giới cho rằng dịch bệnh liên miên, khách ít nên phải chuyển nhượng. Tuy nhiên, giao dịch tương đối khó khăn, nhiều khách sạn vẫn không thể đổi chủ.
Tại nhiều thành phố du lịch như Hội An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Dịch bệnh bùng phát khiến các cơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhiều người rao bán khách sạn để cắt lỗ.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC thừa nhận số lượng khách sạn rao bán ở phân khúc 3 - 4 sao có tăng đáng kể. Một số tòa nhà cho thuê làm khách sạn bị cắt hợp đồng thuê trước thời hạn và hiện đang trong tình trạng tạm ngưng hoạt động.
Trong thời gian qua, Savills ghi nhận các giao dịch chuyển nhượng thành công đã tăng lên. Phần lớn các giao dịch đều được thực hiện giữa các nhà đầu tư trong nước với đa dạng sản phẩm chuyển nhượng, từ các dự án khách sạn và resort tại các điểm đến du lịch đến các giao dịch chuyển nhượng đất dự án khách sạn hoặc đất dự án phức hợp tại các trung tâm đô thị.
Cơ hội M&A
Trong một báo cáo gần đây, JLL cho rằng khách sạn và các lĩnh vực du lịch giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Tuy nhiên, việc triển khai vaccine đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén ‘cơn khát’ được đi du lịch của người dân dự kiến sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát. Do đó, 70% các nhà đầu tư được hỏi cho biết sẽ nhắm mục tiêu đầu tư vào các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương. Ở mức độ rộng hơn, khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
JLL kỳ vọng thị trường khách sạn sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Các quỹ đầu tư mạo hiểm được vốn hóa tốt dự kiến sẽ thúc đẩy số lượng lớn các giao dịch trong năm 2021.
Một số nhà đầu tư cho rằng tình hình hoạt động ảm đạm của các khách sạn, khu resort nghỉ dưỡng hiện tại chỉ là tạm thời, kỳ vọng vào khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong trung hạn. Do đó, giai đoạn này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tiếp cận những tài sản mà trước đây họ chưa tiếp cận được khi thị trường nghỉ dưỡng đang trên đà tăng trưởng.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam nhận định trước khi đại dịch xảy ra, thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam phát triển tương đối vững chắc. Ngay tại lúc này, các hoạt động M&A từ các đơn vị đầu tư quốc tế sẽ sớm được tiến hành. Điều quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng là xác định đại dịch rồi sẽ kết thúc và không phải “trạng thái bình thường mới”. Chắc chắn trị thường sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ, để kéo phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó vốn đã từng đứng vững trước đây. Sự phục hồi tương tự cũng đã được ghi nhận ở Mỹ và các nước châu Âu. Ở một số nơi, các khách sạn có giá phòng gấp 5 lần so với mức trước đại dịch.
Đại diện Savills cho rằng Việt Nam có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các nước trong khu vực và rất hấp dẫn đối với các thị trường trung chuyển chính như Trung Quốc và Hàn Quốc. Bây giờ là lúc các nhà khai thác dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng tự làm mới mình, đào tạo trau dồi nhân lực và sẵn sàng phục hồi trở lại ngay sau khi đại dịch kết thúc.
Lê Xuân
NDH
Xem thêm: nhc.78231433113801202-hcid-aum-am-ioh-oc-2m-gnod-yt-nab-oar-coud-nas-hcahk/nv.zibefac