Tiêm kích tàng hình F-35 của Nhật Bản - Ảnh chụp màn hình
Trong bản yêu cầu ngân sách được công bố ngày 31-8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh việc tăng chi tiêu quân sự là cần thiết nhằm đảm bảo năng lực phòng thủ quốc gia.
Cơ quan này đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2022 là 5,48 ngàn tỉ yen (tương đương 49,93 tỉ USD), tăng khoảng 2,6% so với ngân sách quốc phòng của năm tài khóa 2021.
Các yêu cầu chi tiêu lớn bao gồm 130 tỉ yen cho 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo, trong đó có 4 chiếc F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Số F-35B này sẽ được biên chế cho các tàu sân bay trực thăng đang được hoán cải.
Bộ Quốc phòng Nhật cũng yêu cầu chi 105 tỉ yen trong năm 2022 cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu nội địa thế hệ mới. Dự án đang giao cho Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, dự kiến hoàn tất vào năm 2030 với chi phí khoảng 40 tỉ USD.
Lực lượng phòng vệ Nhật cũng muốn có các tàu chiến nhỏ gọn mới, phù hợp cho việc bảo vệ các đảo xa xôi cũng như các tên lửa tầm xa, đủ sức tấn công các căn cứ trên lãnh thổ chính của kẻ thù.
Ông Takesada Hideshi, chuyên gia quốc phòng kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Takushoku, nhận định việc Nhật tăng sức mạnh quân sự là vì lo ngại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.
"Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn chúng ta tưởng. Trong khi đó, các mối đe dọa từ sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên chưa bao giờ thực sự giảm bớt", ông Takesada nói với Hãng thông tấn AFP.
Ngân sách quốc phòng ngày càng tăng của Nhật Bản cũng là kết quả việc Mỹ yêu cầu Tokyo phải có vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực, theo chuyên gia Takesada.
Bộ Tài chính Nhật sẽ xem xét và có thể điều chỉnh yêu cầu ngân sách của Bộ Quốc phòng trước khi gửi lên nội các của Thủ tướng Suga Yoshihide để phê duyệt.
Hãng tin Reuters bình luận việc tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ không thể theo kịp ngân sách quốc phòng ngày càng phình to của Trung Quốc. Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh hiện chỉ đứng sau Mỹ và gấp 4 lần Nhật Bản.
Theo Reuters, chính quyền Nhật nhận thức được việc này và không tập trung chạy đua với Trung Quốc.
Chiến lược của Tokyo là xây dựng một lực lượng được trang bị những thiết bị mới nhất để ngăn chặn Bắc Kinh có các động thái phiêu lưu quân sự, đặc biệt tại các khu vực đang tranh chấp ở Đông Á.
TTO - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch triển khai các tên lửa diệt hạm và phòng không cùng 500-600 binh sĩ trên đảo Ishigaki, vốn nằm trên chuỗi đảo khống chế đường ra - vào Thái Bình Dương của quân đội Trung Quốc.