Đơn đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc đã được đưa lên bàn làm việc của ông Damien O’Connor, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, vào ngày 16/9. Điểm đến của nó rất hợp với bối cảnh lịch sử.
Năm 1999, cuộc họp giữa hai bộ trưởng thương mại New Zealand và Singapore đã khởi động một trong những hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới của ngày hôm nay. Sau khi bắt đầu đàm phán từ tháng 7/1999, hai nước ký kết một thỏa thuận thương mại là CEP (Closer Economic Partnership) vào năm 2000.
Đến 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC ở Mexico, các lãnh đạo New Zealand, Singapore và Chile đồng thuận khởi động đàm phán nâng CEP lên P3 CCEP (Pacific Three Closer Economic Partnership). Tầm nhìn chung của họ là tạo ra một hiệp định thương mại có thể hoạt động như một nền tảng để mở rộng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vòng đàm phán P3 đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào tháng 9/2003.
Khi có thêm Brunei, thỏa thuận đổi tên thành P4, tạo tiền đề cho một thỏa thuận Vành đai Thái Bình Dương tham vọng hơn nhiều. Khi các cuộc đàm phán P4 kết thúc vào năm 2005, các bên đã đồng ý bắt đầu đàm phán về các dịch vụ tài chính và đầu tư, vốn không nằm trong thỏa thuận ban đầu.
Khi các cuộc đàm phán này bắt đầu vào tháng 3/2008, Mỹ tham gia vào nhóm và cân nhắc cho tiến trình đàm phán toàn diện, đưa P4 thành TPP. Đến tháng 9 cùng năm, Mỹ tuyên bố tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán. Thời điểm đó, Australia, Peru gia nhập.
Năm 2009, Việt Nam tham gia TPP với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Sau 3 phiên đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định này. Cùng với quá trình đàm phán, TPP đã tiếp nhận thêm các thành viên mới là Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, nâng tổng số nước tham gia lên thành 12.
Đây là giai đoạn Mỹ nhận vai trò chủ chốt thúc đẩy hiệp định. Tổng thống Obama khẳng định vào tháng 11/2009 rằng, Mỹ sẽ tham gia với các nước TPP "với mục tiêu hình thành một hiệp định khu vực sẽ có các thành viên rộng rãi và các tiêu chuẩn cao, xứng đáng là một hiệp định thương mại của thế kỷ 21".
Nhưng khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017. Với động thái này, 11 nước TPP còn lại phải tham gia vào các cuộc đàm phán bổ sung để điều chỉnh TPP thành CPTPP. Ngày 8/3/2018, hiệp định được ký kết ở Chile trong bối cảnh ông Trump không quan tâm các hiệp định đa phương. Kế nhiệm ông, Tổng thống Biden tập trung bồi đắp lại các nước đồng minh truyền thống.
Hôm 15/9, liên minh AUKUS của Mỹ, Anh và Australia được công bố, xoay quanh việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Một ngày sau, Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, đánh dấu bước chuyển đầy khó xử lần hai cho các thành viên khối.
Với cục diện mới, trong khi Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống trị ở châu Á, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hiện trở thành vô song. Nỗ lực gia nhập liên minh thương mại gồm 11 thành viên này tuy có vẻ quá xa vời, nhưng lại làm tăng tầm quan trọng địa chính trị của CPTPP, vượt ngoài tưởng tượng những gì các lãnh đạo đầu tiên định hình ra nó cách đây hơn hai thập kỷ.
Theo The Economist, thậm chí diễn biến mới còn làm rõ hơn sự "điên rồ" của một nước Mỹ hướng nội, đã từ bỏ TPP. Còn phiên bản CPTPP ngày nay vẫn là một trong những hiệp định thương mại tiên tiến nhất trên thế giới.
Khi New Zealand và Singapore lần đầu tiên khởi xướng một liên minh thương mại vì thất vọng với tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc thậm chí còn chưa phải là thành viên của WTO và sức mạnh kinh tế của họ vẫn còn khá khiêm tốn. Thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của nước này khi ấy chỉ chiếm 3,4%. Năm ngoái, nó đã lên tới 14,7%, đưa Trung Quốc thành quốc gia duy nhất trên thế giới chiếm tỷ trọng hai con số.
Khi còn là TPP, Mỹ góp phần tích cực trong việc xây dựng hiệp định, nơi được miêu tả là ai gia nhập thì được bán hàng thuận lợi cho người Mỹ. Thời ấy, Mỹ muốn dùng TPP để ngăn sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên các quy tắc thương mại thế giới. Nhưng giờ thì Mỹ rút đi và Trung Quốc muốn vào.
Vẫn khó hình dung việc xin gia nhập của Trung Quốc sẽ thành công trong thời gian tới. Bởi CPTPP là một thỏa thuận chi tiết, yêu cầu hội nhập kinh tế sâu rộng và thành viên mới phải được kết nạp bằng sự nhất trí chấp thuận của tất cả thành viên cũ.
"Trung Quốc đang tiến gần đến việc đáp ứng các điều kiện CPTPP trong nhiều lĩnh vực một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng khoảng cách cũng còn rất lớn", Jeff Schott, chuyên gia Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tổ chức tư vấn ở Washington, đánh giá.
Ông cho rằng, nước này đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm gần đây về quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư. Nhưng sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề quyền lao động và lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu vẫn còn nhiều điều cần bắt kịp.
Để trở thành thành viên CPTPP, Việt Nam đồng ý giới hạn các hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước và tăng cường tính minh bạch về hoạt động và cấu trúc, điều mà Trung Quốc dự kiến sẽ phải làm. Quản trị dữ liệu là một vấn đề mà Trung Quốc đang có quan điểm khác với hiệp định.
Các quốc gia CPTPP đã cam kết thúc đẩy việc chuyển giao thông tin xuyên biên giới. Ngược lại, Trung Quốc đã trở thành hình mẫu toàn cầu về nội địa hóa dữ liệu. Luật bảo vệ dữ liệu được thông qua vào tháng trước sẽ khiến các công ty nước ngoài khó chuyển dữ liệu ra khỏi quốc gia này hơn.
Các thành viên hiện tại của hiệp định cũng không có khả năng chấp nhận kết nạp chỉ với lời hứa sẽ có những thay đổi. Mối quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều đối tác thương mại đã kém đi trong những năm gần đây, khiến việc tìm kiếm tư cách thành viên như một cuộc mua bán ngoại giao sẽ khó hơn nhiều so với việc gia nhập WTO, điều mà họ đã làm vào năm 2001.
Kazuhito Yamashita, một cựu nhà đàm phán thương mại Nhật Bản, từng tham gia vào các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc mô tả rằng, những người lạc quan thời đó cho rằng Trung Quốc nên được vào WTO, và các vấn đề có thể được khắc phục sau đó thông qua việc nước này tuân thủ thực thi khuôn khổ. Những người đối lập phản đối thì không tin sẽ có sự thay đổi. "Điều đó đã đúng", ông nói.
Dù cơ hội thực sự để gia nhập CPTPP của Trung Quốc là mong manh, nhưng có thể có những lý do khác để Trung Quốc nộp đơn. Hầu hết các nước không muốn trở thành thành viên của một khối nào chống Trung Quốc. Một số thậm chí háo hức nhìn vào những lợi ích kinh tế tiềm năng khi có Trung Quốc tham gia.
Bởi khi các cuộc đàm phán để Mỹ tham gia bắt đầu vào năm 2008, Mỹ là một đối tác thương mại lớn hơn Trung Quốc đối với một số quốc gia thành viên CPTPP - chẳng hạn như New Zealand, Peru và Chile. Ngày nay, trong số các thành viên khối, chỉ còn Canada và Mexico giao dịch với Mỹ nhiều hơn là với Trung Quốc.
Một báo cáo được xuất bản vào năm 2019 ước tính thu nhập toàn cầu có được từ CPTPP có thể lên tới 147 tỷ USD một năm. Nếu bao gồm cả Trung Quốc, con số đó sẽ tăng lên 632 tỷ USD. Lợi ích của nhiều thành viên sẽ lên tới hơn 1% thu nhập thực tế của họ.
Nhưng đối với các chính phủ khác, quan hệ với Trung Quốc đã xấu đi đến mức không thể tưởng tượng nổi việc kết nạp của nước này vào. "Chống lại ảnh hưởng chính trị, kinh tế và không gian ảo của Trung Quốc là động lực sống động trọng tâm nhiều chính sách của Australia và Nhật Bản", Nigel Cory, Chuyên gia thương mại tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin ở Washington DC, đồng thời là một nhà ngoại giao Australia, cho biết.
Việc chia tách giữa các thành viên, với một bên xem lá đơn của Trung Quốc chủ yếu như một lợi ích kinh tế và một bên là những người xem nó chủ yếu như một mối đe dọa chính trị, có thể mang lại hữu ích về mặt ngoại giao đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc. "Nó được thúc đẩy bởi mong muốn ném vào một tình huống khó xử cho vui", Charles Finny, một cựu quan chức ngoại giao New Zealand, người đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại của nước này với Trung Quốc vào năm 2004, bình luận.
Trung Quốc đã là thành viên lớn nhất của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại lớn hơn nhưng nông hơn CPTPP, đã được thống nhất vào năm ngoái. Nó có ít điều kiện hơn để trở thành thành viên, nhưng không giống như CPTPP, bao gồm mọi nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, và Hàn Quốc. Việc trở thành thành viên của cả hai, nếu xảy ra, sẽ giúp Trung Quốc ngày càng trở thành một nhà lãnh đạo ngoại giao thương mại đáng gờm ở châu Á.
Từ bên ngoài CPTPP, Mỹ không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của các cuộc đàm phán gia nhập. Tất nhiên, quốc gia này có ảnh hưởng đặc biệt với các nước láng giềng. Thỏa thuận thương mại tự do với Mexico và Canada yêu cầu bất kỳ quốc gia nào trong số ba nước này phải tham khảo ý kiến của những thành viên còn lại trước khi bắt đầu đàm phán với một quốc gia hiện không có thỏa thuận thương mại nào. Thỏa thuận AUKUS với Australia cũng có thể củng cố quyết tâm của Mỹ nhằm thúc đẩy các lợi ích trong khu vực, thậm chí cả các lợi ích kinh tế.
Hầu hết ý kiến hiện cược rằng nỗ lực tham gia hiệp định của Trung Quốc sẽ thất bại. Cách đây không lâu, một số người đã đặt cược rằng Trung Quốc sẽ thể hiện sự quan tâm đến tư cách thành viên CPTPP hơn là Mỹ. Điều đó đã đúng. Và nếu việc nộp đơn gia nhập này còn có một ý nghĩa khác, thì nó chính là một minh chứng rõ ràng cho thấy ảnh hưởng thương mại của Mỹ ở châu Á đã suy yếu nhanh như thế nào.
Phiên An (theo The Economist, MFAT New Zealand)