Với việc nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng chính sách hạn chế đi lại, người yêu thích du lịch ngày càng có xu hướng tìm đến phương thức du lịch số hóa. Các phần mềm, thiết bị ứng dụng kỹ thuật VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường tương tác thực tế) tạo nên trải nghiệm tham quan - ngắm cảnh sống động trước màn hình điện tử. Chúng mở ra vô số tiềm năng mới cho thị trường du lịch quốc tế.
Qua ứng dụng thực tế ảo, du khách có thể đến quần đảo Faroe tuyệt đẹp ở bắc Đại Tây Dương “du ngoạn”, ngắm cảnh từ góc nhìn của một hướng dẫn viên bản địa - Ảnh: Remote Tourism |
Hãy tưởng tượng cơ hội được thưởng ngoạn cảnh sắc thành cổ Machu Picchu tại Peru hay khám phá quần đảo Galápagos xinh đẹp qua chiếc kính VR hoặc tour du lịch ảo trên máy tính cá nhân. Bạn có thể thỏa mãn đam mê chu du bốn phương mà không cần rời khỏi nhà, nhờ đó tiết kiệm chi phí rất nhiều so với một chuyến đi trực tiếp. Mặt khác, công nghệ hiện đại còn giúp giảm tải lượng khí thải carbon của ngành du lịch truyền thống, góp phần bảo vệ hệ sinh thái.
Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt lợi ích rõ rệt, du lịch ảo cũng có những hạn chế nhất định. Liệu hậu đại dịch, trào lưu số hóa có đủ khả năng duy trì chỗ đứng trong ngành du lịch?
Hơn cả chiêu trò quảng cáo
Vài năm trở lại đây, trước cả khi dịch COVID-19 bùng phát, không ít hãng hàng không cùng công ty du lịch đa quốc gia đã bắt đầu khai thác công nghệ VR như một phương thức quảng bá điểm đến nhằm thu hút thêm khách hàng tiềm năng. “Thế nhưng giờ đây, ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu đang giúp ứng dụng thực tế ảo khẳng định vị thế mới, dần thoát mác một chiêu trò quảng cáo”, Ralph Hollister, chuyên gia phân tích dữ liệu du lịch thuộc công ty tư vấn Global Data (Anh), nhận định.
Bạn có thể ngắm cực quang tuyệt đẹp trên bầu trời Bắc Âu ngay tại nhà riêng thông qua tour du lịch thực tế ảo của Công ty Lights over Lapland ở Thụy Điển - Ảnh: Lights Oer Lapland |
Trải nghiệm du lịch ảo đang thăng hạng về độ nổi tiếng. Valeriy Kondruk, Giám đốc điều hành đại lý du lịch ảo có tên Ascape (trụ sở tại San Francisco, Mỹ), tiết lộ lượt tải ứng dụng du lịch bằng công nghệ VR của hãng “đã tăng đến 60% riêng trong năm 2020”. Ứng dụng Ascape “đặc biệt thu hút khách hàng lớn tuổi và những đơn vị giáo dục”, Kondruk nói thêm.
Dù vậy, so với việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để quảng bá du lịch, dùng VR và AR thay thế hoàn toàn hoạt động du lịch truyền thống là vấn đề phức tạp.
Những món đồ công nghệ hiện đại như kính VR giúp người xem thưởng thức video thực tế ảo từ góc nhìn 360 độ hãy còn khá đắt đỏ và có thiết kế tương đối cồng kềnh. Một số ứng dụng phù hợp khác để trải nghiệm du lịch ảo, như Google Cardboard, dẫu phổ biến và dễ điều khiển hơn, lại chưa thể đem đến “cảm nhận ấn tượng với du khách”, Hollister cho biết.
Công nghệ không thể tái tạo cảm xúc
Hạn chế kể trên chính là rào cản lớn nhất hiện nay. Du lịch ảo thường tập trung phác họa tổ hợp âm thanh, cảnh đẹp ở một điểm đến. Thế nhưng, các giác quan còn lại (khứu giác, xúc giác, vị giác) của du khách không thể được lấp đầy như khi được trải nghiệm thực tế. Yếu tố tận hưởng ở một chuyến tham quan số hóa, do đó, vẫn chịu giới hạn nhất định.
Khác với dân cư bản địa hay những doanh nhân đi công tác, khách du lịch mong muốn tạo nên kỷ niệm mang tính cá nhân ở một miền đất lạ. Phần lớn chúng ta trong vai trò du khách thường mong muốn được khám phá và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ theo cách riêng. “Hiệu ứng thực tế ảo không thể tái tạo dấu ấn cá nhân ấy”, giáo sư triết học Erick Ramirez tại Đại học Santa Clara, California, Mỹ - người đã có nhiều năm nghiên cứu công nghệ VR - chia sẻ. Ramirez nhấn mạnh: “Tôi nghĩ hiệu ứng VR trong du lịch rất đặc sắc, lôi cuốn về khía cạnh nghe - nhìn nhưng hiện vẫn rất khó để hoàn thiện trải nghiệm du lịch bằng phương tiện kỹ thuật số”.
Trong những tour du lịch ảo vốn được lập trình sẵn, du khách khó lòng tận hưởng trọn vẹn bầu không khí như khi trực tiếp trải nghiệm - Ảnh: Getty Images |
Những chương trình thực tế ảo được thiết lập để mang lại không gian du lịch dẫu đa dạng, sống động nhưng luôn bị bó hẹp trong một phạm vi cụ thể. Nói cách khác, bên trong thế giới ảo, chúng ta khó lòng tìm thấy hành trình khám phá, tham quan tự do đúng nghĩa.
Tiềm năng ẩn giấu
Không thể giúp bạn cảm nhận làn gió biển mát rượi nơi bãi biển Vancouver hay thưởng thức hương vị tách cà phê trên một đại lộ hoa lệ của Paris, du lịch ảo vẫn ẩn chứa nhiều tiềm năng thú vị. Ngoài hàng loạt nỗ lực nâng cấp công nghệ đem đến hiệu ứng nghe nhìn ngày càng sắc nét, những chuyến du hành thực tế ảo trên thiết bị điện tử góp phần giảm thiểu khí thải carbon - một vấn nạn gây đau đầu trong ngành du lịch hiện đại.
Ứng dụng TimeLooper giúp học sinh có thêm trải nghiệm tham quan hấp dẫn, bổ ích. Tiêu biểu như dự án thành phố cổ Petra được tái dựng sống động và chi tiết dưới dạng mô hình 3D thu nhỏ - Ảnh: Cerengultekin |
Các tour hành trình ứng dụng kỹ thuật VR đặc biệt hữu ích đối với người khuyết tật cũng như để quảng bá thắng cảnh lịch sử hoặc tự nhiên có địa hình hiểm trở mà phần lớn du khách khó tiếp cận trực tiếp.
Song song đó, công nghệ VR, AR có khả năng mang đến sự hỗ trợ đa chiều cho hoạt động du lịch kết hợp giáo dục. TimeLooper, công ty công nghệ chuyên phát triển du lịch ảo, là một minh chứng lý thú. Ứng dụng của họ giúp tái dựng những địa danh, sự kiện lịch sử nổi tiếng bằng kỹ thuật mô phỏng 3-D. Đề cử đáng chú ý phải kể đến thành phố cổ Petra của Jordan, một di sản văn hóa thế giới. Sử dụng TimeLooper, khách tham quan có thể thỏa sức chiêm ngưỡng kiến trúc khu mộ hoàng gia, kho bạc, hí trường... và nhiều địa điểm cuốn hút khác của Petra ngay tại nhà riêng thông qua ti vi, điện thoại.
Suleiman Farajat, Giám đốc Cơ quản Quản lý và Phát triển du lịch Petra, chia sẻ: “Khi không thể mở cửa do đại dịch, chúng tôi cố gắng tạo nên cầu nối thay thế linh hoạt dành cho du khách. Với ứng dụng thực tế ảo, bạn có thể tiếp tục thưởng ngoạn vẻ đẹp của Petra bất kể cách biệt địa lý”.
Hollister, chuyên gia phân tích tại Global Data, có cùng quan điểm về việc tận dụng công nghệ VR nhằm mục đích kích cầu du lịch, nhất là ở những địa danh lịch sử cần duy trì bảo tồn. Kondruk, Giám đốc của Ascape, cho hay hãng đang bắt tay cùng Vietravel của Việt Nam trong một dự án thực tế ảo giúp tái dựng hình ảnh những khu thắng cảnh nổi tiếng bản địa hiện chưa thể đón khách trở lại vì dịch bệnh.
Giờ đây, tiến trình phát triển công nghệ không ngừng tăng tốc giúp trào lưu du lịch ảo có thêm sức hút. Dù hiện vẫn ở quy mô tương đối khiêm tốn, ý tưởng số hóa hoạt động du lịch hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích mang tính tiên phong về lâu dài. Vào thời điểm hiện tại, du lịch ảo là sự lựa chọn lôi cuốn giúp du khách tiếp cận các danh lam thắng cảnh phương xa, từ đó thêm yêu trải nghiệm du lịch.
Như Ý (theo National Geographic)
Xem thêm: lmth.3606441a-hcid-aum-gnort-or-on-aoh-os-hcil-ud-uul-oart/nv.moc.enilnounuhp.www