Dịch COVID-19 khiến làng nghề gỗ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu lao động, không bán được sản phẩm, nợ ngân hàng chưa trả được.
Trao đổi tại hội thảo “Đại dịch COVID-19 và làng nghề gỗ: Tác động và sự cần thiết về một chính sách bao trùm” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) và Tổ chức Forest Trends tổ chức chiều 22.9, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Viforest cho biết: Hiện nước ta có trên 300 làng nghề gỗ trong cả nước, với hàng chục ngàn hộ gia đình và hàng trăm lao động làm việc tại đây.
Các làng nghề này cũng là nguồn cung nguyên liệu, các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa quan trọng nhất, làng nghề là một trong những hợp phần quan trọng của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực rất lớn cho ngành.
TS Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend, đại diện nhóm nghiên cứu của Viforest và Forest Trend cũng cho biết: Khảo sát nhanh tại một số làng nghề phía Bắc vùng đồng bằng sông Hồng như: Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm cũng chỉ ra những con số đáng phải lưu tâm: Tác động của dịch COVID-19 tới các hộ sản xuất là rất lớn, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm 62%, 38% còn lại là phần mới được phục hồi sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách trong một vài tuần trở lại đây.
Trong số 6 làng nghề khảo sát công suất nơi cao nhất hiện đạt 50% (Thụy Lân) và nơi thấp nhất chỉ đạt 30% (Đồng Kỵ, Hữu Bằng). Hiện nay, khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% là La Xuyên (Nam Định) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% là Đồng Kỵ (Bắc Ninh).
Khảo sát cũng cho thấy, lực lượng lao động tại các làng nghề suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê. So với trước giãn cách, lượng lao động làm thuê tại các làng nghề giảm 73%, lao động của bản thân hộ giảm 36%. Không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra dẫn tới việc thu hẹp quy mô sản xuất, thu nhập của hộ giảm.
“Đầu ra sản phẩm của các hộ giảm khoảng 76%, thu nhập của hộ giảm gần 90%, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giảm 68% do không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra. Ở một số nơi như Đồng Kỵ, Liên Hà, La Xuyên lượng sản phẩm bán ra giảm 80-90%, tương ứng với mức sụt giảm về nguồn thu của hộ” – ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề
Đại diện làng nghề gỗ Hữu Bằng (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Bảy cho biết, dịch bệnh khiến chuỗi logistics bị đứt gãy, chi phí tăng lên nhiều, sản phẩm không tiêu thụ được khiến người dân rất khó khăn, cần được hỗ trợ thêm nguồn vốn để vực dậy sản xuất sau dịch, đồng thời được kết nối với các đối tác để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Quốc Vương – Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - cũng cho biết, gần 2 năm nay thị trường Trung Quốc đã gần như “đóng cửa”, trong khi người làm nghề hầu như phải đi vay ngân hàng khoảng 3-5 tỉ đồng/hộ, nay thêm dịch bệnh rất khó khăn, người dân cần nhiều chính sách hỗ trợ để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo nhóm khảo sát của Viforest và Forest Trend, trong bối cảnh đầu ra sản phẩm không tiêu thụ được, sản xuất đình trệ, sức ép trả lãi suất ngân hàng và đặc biệt là các khoản vay đến hạn phải trả lên các hộ rất lớn. Khảo sát với các hộ tại 6 làng nghề cho thấy các hộ có 3 kiến nghị chính, bao gồm kiến nghị về các khoản vốn vay, thuê đất và phát triển đầu ra sản phẩm, chuyển hướng kinh doanh để giảm khó khăn cho các hộ trong ngắn hạn (vốn, tiền thuê đất) và trong dài hạn (thay đổi phương thức kinh doanh).
Xem thêm: odl.813659-oht-uig-ed-mal-gnad-og-ehgn-gnal-cac/et-hnik/nv.gnodoal