Chính quyền cũng khó tiếp cận
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là một người Trung Quốc về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, người Trung Quốc bị khởi tố là Li Shao Xing (còn gọi là Lý Thiệu Hưng, 49 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam. Cùng bị khởi tố trong vụ gây ô nhiễm môi trường còn có bị can Nguyễn Thị Hương, 39 tuổi, Phó Giám đốc 2 công ty nêu trên.
Qua điều tra đã xác định trong thời gian từ ngày 10/3 đến 03/4, bị can Hương đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới chuyên chở chất thải từ Công ty Khải Thần và Công ty Khải Thừa về công trường xây dựng tại Cụm công nghiệp Lan Sơn của Công ty Khải Hồng để chôn lấp.
Các lái xe của Công ty Khải Hồng khai đã chở khoảng 150 tấn chất thải từ Công ty Khải Thần và Công ty Khải Thừa sang Công ty Khải Hồng để chôn lấp.
Thường thì những đơn vị xả thải ra môi trường luôn có tâm lý che đậy kỹ càng hành vi sai phạm và phòng vệ nghiêm ngặt không cho người ngoài tiếp cận. Lý do vì sao vụ án được phanh phui?
Ghi nhận ý kiến người dân xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, ông T.V.A (43 tuổi) cho biết: “Khu vực chôn lấp chất thải rắn tại Cụm công nghiệp Lan Sơn gần như là một khu biệt lập, bám thẳng vào mặt đường, hàng ngày chúng tôi vẫn đi lại qua đây. Người ta cho xây dựng tường bao kỹ càng, kiên cố xung quanh khu vực dự án chôn chất thải rắn. Hàng ngày, thường là vào ban đêm, có hàng chục, hàng trăm xe ô tô đến đây đổ phế liệu vào trong khu vực này”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Nhiên – Chủ tịch UBND xã Lan Mẫu (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Cụm công nghiệp Lan Sơn có diện tích gần 70 ha được xây tường rào kín, cao khoảng 3 – 4m. Ngay từ thời điểm mới đổ đất, giải phóng mặt bằng, do liên quan đến cưỡng chế, xác minh, cán bộ xã Lan Mẫu đi cùng cán bộ huyện xuống tiếp cận khu vực này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi phải xuất trình đầy đủ giấy tờ, chứng minh thư, tên, tuổi… thì mới được vào huống hồ là người dân. Có thể nói, công ty do người nước ngoài này làm Giám đốc được quản lý rất chặt chẽ”, ông Nhiên cho hay.
Cũng câu trả lời tương tự, ông Vũ Văn Truyền – Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho hay: “Công ty này quy định rất chặt chẽ rằng không cho người ngoài vào bên trong khu vực dự án. Họ có chủ trương là “không phận sự miễn vào”, kể cả công an huyện xuống mà không có lý do cũng khó mà vào được. Vụ án được phanh phui có thể nói là bắt nguồn từ việc người dân phát hiện thấy rất nhiều xe của công ty này có dấu hiệu bất thường chủ yếu hoạt động về tối và đêm. Rất nhiều xe chạy qua lại, chở hàng gì đó nhưng được đậy bạt kín mít. Người dân thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã báo công an để theo dõi”.
Những đơn vị nào liên đới chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Với vụ án này, hành vi vi phạm đã diễn ra và được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý rất nghiêm bằng việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
“Trong sự việc này, ngoài những người liên quan trực tiếp trong vụ án đang bị xem xét, xử lý thì việc truy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào khác vào thời điểm này có lẽ là hơi vội vàng. Ít nhất cũng nên chờ kết luận điều tra của cơ quan công an. Tuy vậy, nếu nói về trách nhiệm, theo tôi, có thể xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý ở khu vực có chất thải thì phù hợp hơn là quy kết trách nhiệm của chính quyền địa phương vào lúc này”, Luật sư An nói.
Đã có nhiều lần tư vấn cho doanh nghiệp, trong đó có nội dung tư vấn liên quan đến chất thải nguy hại, Luật sư An cho biết quy định liên quan đến lĩnh vực này cực kỳ phức tạp và chi tiết. "Đầu vào, đầu ra được kiểm soát chặt chẽ, không dễ có việc đổ trộm, bán trộm vì nó có định mức rõ ràng", Luật sư nói.
“Đối với chất thải nguy hại thì quy trình đóng gói, quy trình vận chuyển, quy trình mua bán rất nghiêm ngặt, để mang chất thải ra khỏi khu vực cũ thì phải có hợp đồng với đơn vị vận chuyển cùng nhiều thủ tục chặt chẽ khác nữa. Chưa kể, việc vận chuyển chất thải nguy hại cũng rất đặc biệt, còn liên quan đến biển số xe, tên công ty, giấy phép… Các đơn vị Cảnh sát Môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp phải xác định được các chất thải nguy hại, định mức chất thải nguy hại, phương án xử lý chất thải nguy hại, tất cả những nội dung này đều được lập hồ sơ quản lý, giám sát tại công ty có chất thải nguy hại”, Luật sư An phát biểu.
Cũng theo quan điểm của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, khác với những vụ án ô nhiễm môi trường khác khi bị phanh phui thì trước đó đã gây ra những thiệt hại vật chất cho người dân mà có thể nhìn thấy rõ được như xả thằng nước thải ra sông, bốc mùi hôi thối,…
"Vụ việc này được cho là chưa gây ra bất kỳ thiệt hại nào mà người dân có thể nhìn thấy được. Cộng với việc tiếp cận doanh nghiệp này hết sức khó khăn vì đơn vị luôn trong tâm thế đề phòng, cảnh giác. Cho nên, việc người dân và lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đấu tranh, đưa sai phạm của doanh nghiệp ra trước pháp luật là việc làm rất đáng tuyên dương và cần được phát huy hơn nữa", Luật sư nhấn mạnh.