Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong sáng 23-9 nhìn từ trên cao - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau khi Hà Nội áp dụng áp dụng biện pháp phòng dịch theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 21-9, nhiều người dân sau 2 tháng "ai ở đâu ở yên đó", nay đã bắt đầu quay trở lại cũng như rời thủ đô.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong sáng 23-9, tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (cửa ngõ thủ đô hướng ra các tỉnh thành phía Nam), lượng người và phương tiện đổ về đây tương đối đông, hàng dài xe xếp hàng chờ làm thủ tục ra, vào thủ đô.
Người dân khai bảo y tế tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ trong sáng 23-9 để ra, vào Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Được biết, người dân muốn ra vào Hà Nội cần phải có giấy tờ tùy thân; giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 có giá trị trong 72 giờ; giấy xác nhận ra, vào Hà Nội.
Khi qua chốt kiểm soát, các phương tiện đủ điều kiện sẽ vào khai báo y tế để tiếp tục hành trình, đối với các phương tiện không đủ điều kiện, sẽ buộc phải quay đầu. Theo ghi nhận, sáng cùng ngày, đã có hàng chục phương tiện đã phải "quay xe" vì không đáp ứng được các điều kiện.
Lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông liên tục vì lượng phương tiện đổ về cửa ngõ thủ đô lớn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Có mặt tại chốt kiểm soát kể trên để làm thủ tục về Ninh Bình, anh Nguyễn Văn Chung (36 tuổi, Hà Nội) cho biết sau 2 tháng không thể ra khỏi Hà Nội vì giãn cách xã hội, nay TP nới lỏng nên anh về quê để đón con lên chuẩn bị quay trở lại trường học trong thời gian tới.
"Tôi cho con về quê ở Ninh Bình từ hơn 2 tháng trước, nhưng nay mới về được đón con lên để chuẩn bị nhập học. Nay muốn ra khỏi Hà Nội, tôi đã chuẩn bị đầy tủ giấy tờ như xét nghiệm COVID-19, căn cước công dân và khai báo y tế trên phần mềm", anh Chung nói.
Anh Chung cho biết thêm, hiện nay ở Ninh Bình vẫn kiểm soát chặt người về từ TP Hà Nội, nên anh sẽ chỉ đón con ở chốt kiểm soát vào tỉnh, chứ sẽ không vào trong địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cảnh sát giao thông phân ra các luồng xe để tránh ùn tắc - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau 2 tháng "mắc kẹt" tại Hà Nội vì giãn cách xã hội, trong sáng 23-9, anh Nguyễn Quang Bình - nhân viên bán hàng của một hãng xe hơi - có chuyến công tác đầu tiên.
"2 tháng qua không được đi đâu, ảnh hưởng nhiều đến công việc, hôm nay tôi cũng về Ninh Bình để hỗ trợ khách hàng ở đấy, công việc được vận hành trở lại, tôi thấy rất vui", anh Bình nói.
Người dân có thể khai báo y tế bằng tay hoặc qua các app trên điện thoại - Ảnh: PHẠM TUẤN
Chị Trịnh Thanh Hải là giám đốc của một hãng thời trang, công việc vốn thường xuyên phải di chuyển giữa trụ sở chính ở Hà Nội và xưởng sản xuất ở Thái Bình. Vì giãn cách xã hội, chị Hải đã phải ở lại Thái Bình hơn 2 tháng, nay mới được trở lại Hà Nội.
"Nay được trở lại TP tôi thấy rất phấn khởi, tôi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ mà TP Hà Nội quy định để quay lại TP. Tôi rất mong dịch bệnh sớm ổn định để công việc kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân được quay trở lại bình thường", chị Hải chia sẻ.
Nhân viên y tế quét mã QR Code cho người dân - Ảnh: PHẠM TUẤN
Với lượng phương tiện đổ về đông, lực lượng chức năng chia thành 2 luồng kiểm soát. Một điểm kiểm soát người di chuyển vào TP và một điểm kiểm soát người đi ra TP.
Tại khu vực khai báo y tế luôn có hàng chục người làm thủ tục mỗi lượt, người dân có thể điền vào mẫu giấy in sẵn hoặc quét mã QR, trình giấy xét nghiệm.
Anh Nguyễn Quang Bình hào hứng với chuyến công tác đầu tiên sau 2 tháng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của đội cảnh sát giao thông số 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết những ngày qua, lượng phương tiện đổ về TP tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm trước giãn cách. Lực lượng chức năng đã phải bố trí 100% lực lượng để phân luồng, cũng như xử lý thủ tục ra vào TP cho người dân.
"Nhiều người dân vẫn chưa hiểu về thủ tục ra vào TP, nên nhiều người còn lúng túng, dẫn đến tính trạng xử lý thủ tục sẽ lâu hơn, gây ra tình trạng ùn ứ tại các cửa ngõ. Mong rằng người dân khai báo y tế trên các app cũng như dữ liệu sức khỏe dân cư quốc gia trước khi tới các chốt kiểm soát, để tránh mất thời gian, thủ tục sẽ nhanh gọn hơn", vị lãnh đạo trên nói.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online trong sáng 22-9, đại tá Trần Ngọc Dương - phó giám đốc Công an Hà Nội - cho biết TP vẫn thực hiện theo quy định cũ về việc kiểm soát người ra vào.
"Ra vào thủ đô vẫn áp dụng theo chỉ thị 16 như trước đây, nói chung là cũng thông thoáng chứ không đến mức độ quá căng thẳng vì hiện nay áp dụng theo hình thức cũ đang rất tốt", ông Dương nói.
Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết thêm, người dân muốn ra vào Hà Nội phải có giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm COVID-19, và khai báo y tế.
"Tuy nhiên, những ai muốn ra khỏi Hà Nội phải lưu ý là nơi họ muốn đến có tiếp nhận người từ Hà Nội không, vì thủ đô vẫn là nơi có nguy cơ dịch tễ. Lực lượng công an tại các điểm chốt vẫn luôn khuyến cáo và nhắc nhở người dân về vấn đề trên, còn việc vào TP thì đương nhiên phải kiểm soát chặt để tránh F0", ông Dương nói.
Nhiều xe được chất đầy đồ đạc sau 2 tháng người dân không được về quê - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo ghi nhận, mỗi ngày tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có hàng ngàn lượt phương tiện ra vào thủ đô - Ảnh: PHẠM TUẤN
Người dân đủ các điều kiện sẽ được khai báo y tế để "thông hành", còn không sẽ buộc quay đầu - Ảnh: PHẠM TUẤN
TTO - Nhiều chuyên gia lo ngại việc người dân Hà Nội đổ ra đường đông đúc trong đêm Trung thu sẽ làm đổ vỡ nỗ lực chống dịch của TP trong 2 tháng qua, để dịch bùng phát có thể phải giãn cách lại từ đầu.
Xem thêm: mth.14920812132901202-hcac-naig-gnol-ion-uas-ion-ah-oav-ar-uahn-ioud-ion-iougn-gnod/nv.ertiout