Dù sức mua cuối năm thường tăng nhưng với tình cảnh hiện nay, nhiều người bán cũng không kỳ vọng.
Hàng thực phẩm cũng ế
Chiều 21-10, đang tìm mua thịt heo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), bà Ngô Khánh Hà cho biết với nhiều sản phẩm tiêu dùng khác như dầu ăn, nước mắm, đường, bún, mì... giá đang có xu hướng tăng nên việc mua sắm được gia đình tính toán kỹ để không thâm hụt "ngân sách".
"Thu nhập nhiều tháng qua giảm nên gia đình phải chi tiêu tiết kiệm hơn mọi khi. Các sản phẩm có giá tốt, được khuyến mãi nhiều, đặc biệt tại các siêu thị sẽ được ưu tiên hơn khi mua sắm", bà Hà nói.
Tương tự, từ bỏ thói quen "thấy quần áo đẹp là mua", bà Nguyễn Thị Thu Thủy (quận 12) cho biết nhiều tháng qua rất hạn chế "đổ tiền" vào các sản phẩm không thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng... Thay vào đó chỉ lo tập trung vào "cái ăn" để tiết kiệm chi tiêu.
Nhu cầu tiêu dùng giảm khiến không khí mua sắm tại nhiều chợ kém sôi động. Cụ thể, ghi nhận tại chợ Tân Định (quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... sáng 21-10, không khí ảm đạm, trầm lắng bao trùm chợ.
Ông H.V.T. - bán trứng trong chợ Bà Chiểu - không khỏi than thở bởi từ lúc dịch tới giờ, sức mua giảm dần đều, càng ngày càng vắng.
“Tôi bán trứng tại chợ đã 20 năm, ngoài bán lẻ còn bỏ mối sỉ cho nhiều nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên hiện các nhà hàng, quán ăn cũng vắng khách nên bán sỉ cũng chậm nốt. Mỗi ngày, tính ra bán không tới 200.000 đồng, tằn tiện cũng chẳng đủ sống”, ông T. nói.
Trong khi đó, bà Trần Ý Nhi - có sạp rau ngay mặt ngoài chợ Bà Chiểu - cũng than thở chả thấy khá khẩm hơn: “Khách mua vẫn chậm lắm, ế hoài, từ đầu năm tới giờ chưa thấy khác gì".
Thậm chí tình trạng của ngành hàng thời trang còn "bi đát" hơn. Chỉ vào hàng chục sạp san sát nhau nhưng lượng khách chỉ khiêm tốn, bà Ngô Thị Hà, tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1), cho biết tình trạng ế ẩm diễn ra từ nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu cải thiện.
"Bình thường càng về cuối năm nhu cầu mua sắm càng tăng, nhưng năm nay thì càng giảm, bán sỉ và lẻ cùng giảm. Sức mua có thể giảm 50-60% so với những năm ổn định", bà Hà nói.
Tương tự là chợ sỉ kinh doanh thời trang quy mô lớn nhưng hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) hiện cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm khi nguồn khách sụt giảm mạnh, đặc biệt là khách hàng ở các tỉnh.
30% sạp đóng cửa, khó tìm người mướn
Ông Huỳnh Thanh Trường - trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu - cho biết hiện số lượng sạp đóng cửa chiếm khoảng 30% toàn chợ, trong khi đó kinh doanh gặp khó nên việc tìm người mướn sạp cũng không dễ.
"Các sạp nghỉ bán rải khắp các ngành hàng không kể thiết yếu hay không thiết yếu. Trong đó, các tiệm vàng bạc đá quý đặc biệt khó khăn nhất vì kén khách và không cạnh tranh nổi với các tiệm vàng xung quanh chợ", ông Trường thông tin và cho biết các sạp góc khuất, vị trí xấu, ít người qua lại cũng bị tiểu thương bỏ nhiều nhất.
Khá hơn chợ Bà Chiểu, tình hình chợ Tân Định tươi sáng hơn. Theo ông Lê Quang Thiện - trưởng ban quản lý chợ Tân Định, bước vào tháng 10, sức mua tại chợ tăng nhẹ 15-20%, nhiều sạp hàng đã mở trở lại.
Tuy vậy ông Thiện thừa nhận vẫn có các sạp ở ngành hàng thời trang, sạp vị trí góc hẹp, góc khuất "vẫn phủ bụi từ đợt dịch tới giờ", trường hợp có kinh doanh cũng chỉ bán trong vài tiếng cho có.
“Sức mua tại chợ vẫn chậm tuy nhiên khách du lịch, đặc biệt du khách nước ngoài tham gia các tour trải nghiệm văn hóa ghé chợ đang có dấu hiệu tăng”, ông Thiện cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) cho biết dù lượng khách du lịch đang tăng dần với hiện bình quân 5.000 - 6.000 khách/ngày, nhưng so với các năm ổn định, lượng khách này chỉ bằng khoảng 60-70%. Ngoài lượng khách giảm, giá trị đơn hàng cũng giảm mạnh do "khách đi nhiều nhưng mua ít".
Kinh doanh đồ Nga hơn 15 năm tại chợ Nga (đường Võ Văn Kiệt, quận 1), bà Nguyễn Thị Khánh Vân chia sẻ sức mua giảm sâu, bà phải chủ động thay đổi ngành hàng cho phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
Bà Vân cho hay hiện đồ Nga chỉ chiếm khoảng 30% gian hàng, bà cũng chỉ còn bán các loại đặc sản Nga như trứng cá Nga, phô mai sợi, bánh mì đen, xúc xích hun khói, đùi gà, vịt… còn các loại đồ khô như bánh kẹo, thực phẩm chức năng này kia đều nhập hàng Mỹ, Úc với giá thành rẻ hơn để dễ bán.
Các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ tại TP.HCM đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng và nhiều chương trình khuyến mãi, hy vọng sức bán hàng khởi sắc cuối năm.