Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang mùa mưa, số giờ nắng thấp, trong khi đó Điện lực Gia Lai thông báo cắt giảm từ 30 - 50% công suất tiêu thụ điện mặt trời khiến hàng loạt doanh nghiệp “méo mặt” lo trả nợ ngân hàng.
Anh Phan Minh Thơ - Quản lý Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai (Tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết, doanh nghiệp vay 12 tỉ đồng từ ngân hàng thương mại để làm công trình điện mặt trời mái nhà. Từ đầu năm 2021 đến nay, điện lực Gia Lai liên tục báo tin nhắn qua điện thoại việc tiết giảm, sa thải công suất tiêu thụ điện từ 30%-50%. Nguyên nhân được cho là do tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Điều đáng nói, việc cắt giảm của ngành điện lại thường rơi đúng vào khung giờ “vàng” từ 8h sáng đến 15h. Đây là thời điểm có tỉ lệ số giờ nắng cao, khiến cho doanh nghiệp lao đao. Đặc biệt thời gian này, mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài, mưa liên tục đang khiến sản lượng điện mặt trời bị giảm sút nghiêm trọng.
Anh Thơ cho biết: “Với khoản vay 12 tỉ đồng, trung bình hàng tháng phải trả nợ gốc 150 triệu đồng, tiền lãi ngân hàng 100 triệu đồng. Công trình điện mặt trời mái nhà có công suất gần 1MW. Với tình trạng tiết giảm, sa thải công suất điện như hiện nay thì với sản lượng điện bán ra, công ty thu về khoảng 200 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để trả nợ vay ngân hàng và các chi phí tiền nhân công vận hành, duy tu, bảo dưỡng”.
Cùng chung tình cảnh tương tự, anh Huỳnh Trần Hoàng Thắng - Quản lý Công ty TNHH MTV An An ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết, công trình điện mặt trời vay vốn ngân hàng 10 tỉ với công suất 1MW.
Tiền nợ gốc, doanh nghiệp phải trả hàng tháng 100 triệu đồng, tiền lãi khoảng 65 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19, bắt buộc phải có hàng tháng để trả cho ngân hàng. Trong khi đó, những ngày qua điện lực Gia Lai luân phiên nhắn tin để cắt giảm điện mặt trời, có khi cắt giảm nguyên ngày.
“Công trình điện của tôi bị cắt giảm 2-3 ngày/tuần, mỗi lần cắt giảm thiệt hại cho doanh nghiệp từ 13-14 triệu đồng. Mỗi tháng cắt giảm từ 8-12 ngày, tính trung bình doanh nghiệp thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng. Doanh nghiệp lo lắng như ngồi trên lửa, phải chạy vạy lo tiền lãi ngân hàng”, anh Thắng cho biết.
Trước đó, như báo Lao Động đã phản ánh, hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời ở tỉnh Gia Lai đã nộp đơn đến các ngành chức năng Trung ương và địa phương kêu cứu. Bởi ngoài nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì việc quy hoạch mạng lưới điện chưa phù hợp, chính sách điện mặt trời còn nhiều bất cập khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Điều các doanh nghiệp điện mặt trời cần hiện nay là việc luân phiên cắt giảm của ngành Điện lực phải công khai, minh bạch hơn nữa, tránh việc lợi ích nhóm để cắt giảm không đồng đều. Và các hệ thống ngân hàng thương mại cần phải đồng hành với doanh nghiệp trong việc điều chỉnh hoặc hạ lãi suất vay vốn.
Xem thêm: odl.156659-gnah-nagn-ial-art-ol-tam-oem-iort-tam-neid-peihgn-hnaod-aum-aum/et-hnik/nv.gnodoal