Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng không thể tiếp tục kéo giãn cách lâu hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng phục hồi sản xuất kinh doanh theo hướng tìm giải pháp phòng ngừa và thích ứng an toàn.
Một phần nội dung trong khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát cách đây một tháng cho thấy một vấn đề đáng lo ngại đó là có trên 80% lao động chỉ có dự trữ tài chính dưới 3 tháng. Đây là con số báo động, nếu không mở cửa, duy trì công ăn việc làm thì tương lai khó khăn đang chờ họ phía trước.
Bản thân các doanh nghiệp thấu hiểu điều đó nhưng họ cũng đang đứng trước nhiều bài toán cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Ninh, Tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiến Ninh thuộc Hội doanh nhân quận Tân Phú cho biết để duy trì hoạt động và giữ người lao động thì nền kinh tế không thể dừng quá lâu vì COVID-19. Nhưng câu hỏi đặt ra là sẽ hoạt động như thế nào để thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh rõ ràng là không đơn giản.
“Đến nay những gì doanh nghiệp có thể trông mong vẫn phải dựa trên ba yếu tố chính là vaccine, mô hình “bong bóng” và tuân thủ 5K. Về mô hình “bong bóng”, chúng tôi áp dụng trong nhà máy để thiết lập những khu vực làm việc độc lập. Về tuân thủ 5K, sẽ không hiệu quả nếu không có thêm một chữ K quan trọng nữa là “kiểm soát”. Vấn đề lớn là chi phí tính trên đầu người lao động để kiểm soát lây nhiễm (như test nhanh, khử khuẩn, chăm sóc y tế tại chỗ) là một khoản không hề nhỏ. Nếu doanh nghiệp có phương án thích ứng với dịch nhưng không có hỗ trợ từ chính quyền thì khó lòng gánh nổi chi phí này”, ông Nguyễn Ninh cho biết.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM (HAMEE), cho rằng khi đã cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại phải đồng thời mở cửa lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ sửa chữa máy móc, trang thiết bị phục vụ sản suất. Song hành với doanh nghiệp sản xuất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, vì sản xuất mà không có sự hỗ trợ của khối kinh doanh dịch vụ, sản xuất rất dễ bị tắc nghẽn.
Nhận định giai đoạn sắp tới là một trạng thái kinh doanh hoàn toàn rất khác so với những gì đã có trước đây với các doanh nghiệp nên họ bắt buộc phải có nhiều tính toán. Phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung xây dựng lại hệ thống sản xuất, đồng thời tăng cường y tế tại chỗ để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Hiện có nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp, như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đang chủ động “giải bài toán” thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các thành viên của HAWA đã tìm cách xây dựng trạm y tế tại chỗ. Trong đó, doanh nghiệp đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị ba tầng. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí xét nghiệm, ban hành cơ chế phối hợp giữa y tế địa phương và doanh nghiệp.
Nhìn nhận về cơ hội mở cửa rất nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều mong muốn kiến nghị Thành phố phải phục hồi sản xuất nhanh trong thời gian tới vì quý 4 là thời điểm rất quan trọng đối với doanh nghiệp, với sản xuất và nền kinh tế. Thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, là cơ hội về thị trường để doanh nghiệp có thể phục hồi.
Và để doanh nghiệp chủ động phục hồi, Thành phố cần có kế hoạch công bố lịch trình mở cửa sớm để doanh nghiệp chuẩn bị trước một tuần, không nên để xảy ra “nay công bố mai làm” như thời gian qua khiến doanh nghiệp rất bị động, ông Nguyễn Ninh - Tổng giám đốc Công ty Kiến Ninh nêu quan điểm.
Xem thêm: odl.957659-ol-ion-ueihn-noc-nav-peihgn-hnaod-taux-nas-ioh-cuhp-auc-om/et-hnik/nv.gnodoal