Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 23-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc điều vận tải cơ Y-20 tới các đảo Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển, đóng góp thiết thực, tích cực và có trách nhiệm vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.
Trước đó, ngày 18-9, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã điều vận tải cơ Y-20 trái phép tới các đá Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đưa binh sĩ đồn trú tại đây về đất liền. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận việc máy bay Y-20 xuất hiện ở Trường Sa.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Đây là hiệp định thương mại tự do mở, với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế-thương mại giữa các nước thành viên.
Việc CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại khu vực và quốc tế.
Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập CPTPP cần đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này.
Liên quan đến việc Đài Loan (Trung Quốc) cũng xin gia nhập CPTPP, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mở và Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác về các quy định tham gia hiệp định này.