Hai ngày hội thu hút hàng chục ngàn lượt học sinh, phụ huynh từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Và hàng trăm mối băn khoăn "trước giờ G" của thí sinh, phụ huynh đã được các chuyên gia tận tình giải đáp.
"Thời điểm rất quan trọng"
Vừa phẫu thuật dây chằng cách đây vài hôm, Đức Văn - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp, TP.HCM) - tự đón xe đến tham dự ngày hội tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Phải chống nạng đi đến các gian tư vấn nhưng Đức Văn không nản lòng. Bạn tâm sự đây là "thời điểm rất quan trọng" trong lựa chọn nguyện vọng nên không muốn bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ trường.
Đức Văn đã trúng tuyển sớm vào ngành robot và trí tuệ nhân tạo (AI) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ngành học này là "kế hoạch B". Ngành thí sinh này yêu thích hơn cả là kỹ thuật hàng không do mê thiết kế, sửa chữa các bộ phận của máy bay.
Để tăng cơ hội nghề nghiệp, Đức Văn nhắm đến chương trình song ngành kỹ thuật tàu thủy và kỹ thuật hàng không ở Trường ĐH Bách khoa. Điểm thi tốt nghiệp THPT của Đức Văn là 27 cho tổ hợp khối A00. Điểm chuẩn chương trình học song ngành này của Trường ĐH Bách khoa năm trước là 25 nên bạn hy vọng sẽ trúng tuyển.
"Mình băn khoăn về học song ngành. Mình đến ngày hội để tìm hiểu chương trình song ngành được dạy thế nào, học phí ra sao, có cần chuẩn bị gì hay không? Mình đã tìm đến gian tư vấn của Trường ĐH Bách khoa và được thầy cô giải đáp tận tình mọi câu hỏi", Đức Văn nói.
Trong khi đó từ 5h30, Hoàng Đình Tuyển - cựu học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hóc Môn) - đi xe máy đến ngày hội.
Không "lăn tăn" về điểm số, điểm chuẩn, Đình Tuyển bận tâm hơn về ngành học. Trước đó, Tuyển chủ yếu tập trung ôn thi để được kết quả cao. Giờ đến giai đoạn đăng ký nguyện vọng, Tuyển mới phân vân giữa những ngành có tên gọi tương tự nhau như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin...
Tuyển đi một vòng các gian tư vấn để tìm hiểu sự khác biệt chương trình đào tạo giữa những ngành này. Cuối cùng, sau khi được tư vấn, Tuyển xác định trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bạn thích học hơn về phần mềm thay vì phần cứng.
Tuyển cũng thích chọn một ngành học rộng để có thể thích ứng với nhiều hướng đi nghề nghiệp sau này. "Ưu tiên cho nguyện vọng 1 của mình hiện sẽ là ngành khoa học máy tính", Tuyển quả quyết.
Trong khi đó, từ 6h sáng cả nhà chị Vân Anh (trú Sơn Tây, Hà Nội) đi hơn 50km đến ĐH Bách khoa Hà Nội dự ngày hội.
"Tôi và gia đình muốn được nghe tư vấn trực tiếp từ các thầy cô trong trường để định hướng tốt hơn cho con. Cháu mong muốn theo học ngành kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điện của Trường ĐH Bách khoa. Vừa rồi cháu thi được 26 điểm nên gia đình cũng muốn nghe ngóng thêm thông tin từ các trường khác có ngành tương tự.
Khi ở nhà, tôi rất phân vân nhưng khi mình tới đây thì được tìm hiểu, được các thầy tư vấn nhiệt tình, cụ thể nên thấy hiểu rõ hơn. Nhiều câu hỏi, thắc mắc trên mạng được các thầy tư vấn, giải thích rõ", chị Vân Anh nói.
Sôi nổi khu vực tư vấn
Ngoài gian tư vấn của các trường, ban tổ chức bố trí một khu vực tư vấn đặc biệt. Khu vực này có chuyên gia từ Bộ Giáo dục và đào tạo (Bộ GD-ĐT), đại diện các trường theo nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, y dược, luật, nông lâm...
Và đây là khu vực tư vấn diễn ra sôi nổi với liên tiếp các câu hỏi của phụ huynh, học sinh. Quan tâm nhất vẫn là cách đăng ký, sắp xếp nguyện vọng trên hệ thống. Kế đến là những băn khoăn về chọn ngành, chọn trường. Có phụ huynh tâm sự thời gian qua đã tìm hiểu và suy nghĩ rất nhiều về việc con nên học ngành nào, trường nào sẽ tốt hơn.
Gửi lời nhắn chung đến các phụ huynh trong buổi tư vấn, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ việc quý phụ huynh quan tâm, đồng hành cùng con trong giai đoạn quan trọng cần phải lựa chọn ngành học, trường học là rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, nên giữ nguyên tắc là phụ huynh sẽ không làm thay con và không quyết định giùm con. Con cái vẫn sẽ cần những sự tư vấn của cha mẹ để có thêm góc nhìn, nhưng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về các em.
"Suy nghĩ mở" cũng là điều mà PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhắn gửi đến các thí sinh. Ông ví dụ không phải thích xe điện là phải học về ô tô hay điện - điện tử.
Các ngành như công nghệ thông tin, môi trường, vật liệu, thậm chí các ngành về khoa học sức khỏe cũng rất cần thiết trong nghiên cứu và thiết kế xe điện. "Xu hướng hiện nay là liên ngành. Các nghề đều có liên quan với nhau và đều bổ trợ lẫn nhau", ông Thắng nói.
Tư vấn tại ngày hội ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết tới ngày 22-7 mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đã đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Bà Thủy lo lắng việc thí sinh có thể không nắm được quy định. Vì ở mùa tuyển sinh năm trước có những thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường nên đã yên tâm là đỗ, bỏ qua khâu đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Bà Thủy nhắc lại để lưu ý cho thí sinh về việc bắt buộc thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm đã có giấy báo trúng tuyển của trường và các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hệ thống này sẽ đóng vào 17h ngày 30-7. Và ngày 31-7, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển online tương ứng với số lượng nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.
Bà Thủy khuyên thí sinh không nên chỉ có một nguyện vọng duy nhất, bỏ qua các cơ hội khác. Vì nếu có rủi ro xảy ra, thí sinh trượt nguyện vọng duy nhất sẽ "tay trắng".
Nhưng bà Thủy cũng cho rằng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng như trường hợp đăng ký cả trăm nguyện vọng. Việc lựa chọn danh mục nguyện vọng cần có sự nghiên cứu kỹ thông tin trong đó có nguyện vọng vào ngành yêu thích, ngành vừa sức để có nhiều cơ hội khác nhau...
90% câu hỏi đến từ phụ huynh
Tại Hà Nội, khu vực tư vấn đặc biệt thu hút sự quan tâm từ phụ huynh xoay quanh chọn nguyện vọng. Có đến 90% câu hỏi từ phụ huynh nhờ ban tư vấn giải đáp, còn lại là từ học sinh. Trung bình mỗi phụ huynh đặt 2 - 3 câu hỏi và sẽ "hỏi đi hỏi lại" nếu chưa được giải đáp đúng ý.
Giờ G của những sự lựa chọn
Phát biểu khai mạc, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nói: ngày hội diễn ra trong thời điểm quan trọng khi thí sinh vừa biết điểm thi tốt nghiệp THPT và phải đưa ra những chọn lựa về xét tuyển.
Các bạn như đang đứng trước giờ G của những sự lựa chọn, trước nhiều ngã rẽ cuộc đời. Ở phút 89, các bạn đã kịp thời nhận được những lời tư vấn, chia sẻ từ các thầy cô, các chuyên gia để có được sự lựa chọn phù hợp nhất.
Một nguyên tắc thí sinh cần ghi nhớ là khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, cần xếp nguyện vọng mơ ước lên đầu sau đó có thể các nguyện vọng ít yêu thích hơn nhưng phù hợp với năng lực, hoàn cảnh... Hệ thống sẽ chạy lọc ảo để thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nên nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống dừng ở nguyện vọng đó.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo)
* TS Phạm Như Nghệ (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và đào tạo):
Dựa vào nhiều yếu tố
Thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng. Vì vậy, ngành học mà thí sinh yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Những nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng vẫn còn băn khoăn, chưa xác định sẽ học, không nên đặt ở nguyện vọng 1. Bởi vì nếu trượt nguyện vọng 1 sẽ lần lượt được xét đến những nguyện vọng tiếp theo.
Lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường ĐH nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng 1. Thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.
Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30-7.
* TS Đồng Văn Ngọc (hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội):
70% nhân lực trong doanh nghiệp từ CĐ trở xuống
Đến với ngày hội thí sinh và phụ huynh đang đi "tìm cơ hội đầu tư dự án cuộc đời, lựa chọn bậc học để gửi gắm tương lai". Trước khi chọn ngành, chọn trường các phụ huynh phải hiểu năng lực, sở trường, sở đoản của con em để lựa chọn ngành nghề, sau đó lựa chọn trường.
Khi đã có trường yêu thích phải tính đến năng lực tài chính. Phụ huynh phải làm rõ vấn đề học phí từng năm tăng ra sao vì có một số trường năm đầu tuyển sinh công bố mức học phí rất phù hợp, nhưng các năm sau học phí tăng rất nhanh. Phụ huynh có thể trực tiếp đến trường ĐH mà con mong muốn để tìm hiểu thông tin từ chính những sinh viên đang theo học tại đây, chắc chắn sẽ có những thông tin mong muốn.
Nếu buộc phải lựa chọn vào một trường ĐH mà theo trào lưu đám đông thì tôi khuyên phụ huynh nên dừng lại lựa chọn này. Hãy lựa chọn cho con em ngành học đúng ước mơ, đúng năng lực để phát huy được hết thế mạnh của bản thân. Đừng tạo sức ép và kỳ vọng quá lớn tạo áp lực lên con em.
Hệ thống đào tạo CĐ khác với đào tạo ĐH với các nội dung thực hành trung bình từ 70% trở lên, dưới 30% lý thuyết. Hiện có rất nhiều thí sinh đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn học CĐ vì muốn học ngắn và đi làm ngay.
Hiện nay 100% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam có đến 70% nhân lực trong những doanh nghiệp này là nhân lực học từ bậc CĐ trở xuống. Năm nay Trường CĐ Cơ điện Hà Nội thực hiện tuyển sinh kèm tuyển dụng. Vào năm nhất, sinh viên được ký hợp đồng với doanh nghiệp ngay. Sinh viên khi ra trường sẽ không lo về việc làm.
'Ở nhà tôi rất phân vân nhưng khi tới Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển thì được tìm hiểu, được các thầy tư vấn nhiệt tình, cụ thể nên thấy hiểu rõ hơn', phụ huynh chia sẻ.