Dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Bình Dương bị tê liệt nhiều tháng qua. Để khôi phục kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, Bình Dương xác định việc hỗ trợ để doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động là vấn đề mấu chốt.
Còn lo lắng khi tái sản xuất
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau thời gian phòng chống dịch, hiện đã có 6/9 địa phương đạt “vùng xanh” gồm: Thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Các ‘’vùng xanh’’ được thiết lập, mở rộng, kết nối với nhau tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động lưu thông. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch tái sản xuất bằng các phương án “3 tại chỗ, 3 xanh, 1 cung đường 2 địa điểm”.
Theo ghi nhận, hiện nhóm các doanh nghiệp ít thâm hụt lao động đang rà soát lại hệ thống cung ứng nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu và công nhân để tái sản xuất. Trong khi đó thì nhóm doanh nghiệp thâm hụt lao động (có từ 2.000-9.000 công nhân) vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng, nhóm này chờ qua đầu tháng 10.2021 mới tính phương án sản xuất.
Hầu hết doanh nghiệp lo ngại chi phí phòng dịch quá cao, không kham nổi. Trong khi đó, công nhân chỉ mới tiêm vaccine được mũi 1, mũi 2 chưa biết khi nào tiêm. Trường hợp rủi ro dịch bùng phát xảy ra trong lúc tái sản xuất thì được hỗ trợ về y tế như thế nào? Doanh nghiệp còn lo ngại hệ thống y tế chưa đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp, để F0 bị “giam” nhiều ngày trong nhà xưởng.
Ngày 21.9, tỉnh Bình Dương có cuộc tiếp xúc với nhóm doanh nghiệp về giày da, doanh nghiệp mong muốn công nhân lao động được tiêm đủ 2 liều vaccine.
Doanh nghiệp làm tốt bên trong, bên ngoài Nhà nước hỗ trợ
Bên cạnh những chương trình hỗ trợ, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các doanh nghiệp triển khai chặt chẽ hơn công tác phòng dịch COVID-19. Việc sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Hiện Ban Quản lý KCN Bình Dương đã có hướng dẫn ban đầu để doanh nghiệp triển khai hoạt động y tế tại nhà máy. Trước hết, yêu cầu doanh nghiệp thành lập ban chỉ đạo phòng chống COVID-19. Người sử dụng lao động phải cam kết với người lao động và chính quyền địa phương về cách thức hoạt động, quyền lợi của người lao động khi tham gia sản xuất trở lại.
Tổ chức xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc bằng quy trình chặt chẽ mà Sở Y tế đã quy định. Tuân thủ nghiêm túc 5K, yêu cầu người lao động phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Đảm bảo giãn cách tại nhà máy, có thể phân luồng, giảm mật độ tập trung theo chuyền sản xuất. Tổ chức để người lao động giữa các phân xưởng không tiếp xúc với nhau từ khi vào nhà máy đến sản xuất, ăn uống vệ sinh.
Gia tăng các thiết bị công nghệ khi đo thân nhiệt, sát khuẩn không tiếp xúc gần. Tập huấn lấy mẫu và quy trình xử lý khi phát hiện F0. Có khu vực cách ly F0 và F1 tách biệt nhau...
Trong quy định mới, cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp chủ động hơn trong phòng dịch COVID-19, củng cố bộ phận y tế tại doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức tự đánh giá an toàn phòng dịch. Ban Quản lý Khu công nghiệp cho biết, các cơ quan liên ngành cũng sẽ thường xuyên giám sát để hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng dịch.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức tốt việc phòng dịch trong nhà máy.
Phía bên ngoài, các địa phương cũng sẽ tăng cường các Trạm y tế lưu động ở cụm, khu công nghiệp để luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khi xảy ra tình huống dịch bệnh. Hạn chế tối đa việc để “giam F0’’ tại doanh nghiệp quá 24 giờ như trước đây đã xảy ra.
Xem thêm: odl.818659-120201-gnaht-ut-taux-nas-iat-neik-ud-gnoud-hnib-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal