Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) về tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh. Trong đó, đề xuất QH quan tâm bổ sung vốn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến đường này.
Còn 215 km đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư
Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài 2.744 km, nối từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Hiện nay, dự án hoàn thành 2.341/2.744 km, đạt 85,3% và đang triển khai đầu tư 188 km. Dự án còn lại khoảng 215 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Cụ thể, khu vực phía Bắc còn 160 km chưa triển khai gồm: Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn có tổng mức đầu tư 1.651 tỉ đồng và Đoan Hùng - Chợ Bến với tổng mức đầu tư 16.216 tỉ đồng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông đã được đưa vào sử dụng.
Ảnh: HUY TRƯỜNG
Theo nghị quyết của QH, hai dự án trên khởi công và hoàn thành vào giai đoạn 2016-2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa cân đối được nguồn vốn để thực hiện. Riêng đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, dự tính đầu tư theo phương thức BOT nhưng không khả thi về phương án tài chính. “Vì vậy, nếu nối thông khu vực phía Bắc cần bố trí vốn để triển khai hai dự án thành phần trên với số tiền 17.867 tỉ đồng…” - Bộ GTVT cho hay.
Ở khu vực miền Trung, hiện đang triển khai hai tuyến cao tốc gồm: Hòa Liên - Túy Loan với tổng mức đầu tư 2.296 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành năm 2025. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn với tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng, hiện đã triển khai thi công trên toàn dự án, sản lượng đạt khoảng 61%, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
“Như vậy, khu vực miền Trung đã và đang triển khai nối thông tuyến từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum), dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ. Giai đoạn sau năm 2025 tùy thuộc nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo quy hoạch được duyệt…” - Bộ GTVT cho biết.
Khu vực phía Nam, theo Bộ GTVT, hiện đang triển khai đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dài 74 km, tổng mức vốn 6.964 tỉ đồng. Theo nghị quyết của QH, dự án này đầu tư theo phương thức BOT nhưng do phương án đầu tư BOT toàn bộ không khả thi về tài chính nên cần chuyển sang đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn chỉnh thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn Chơn Thành - Hoài Đức, dự kiến khởi công vào năm 2022, hoàn thành năm 2024.
Tuy nhiên, khu vực phía Nam vẫn còn lại dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 55 km với tổng mức đầu tư 3.796 tỉ đồng, chưa triển khai do khó khăn về nguồn vốn. “Dự kiến giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa bố trí được vốn cho dự án” - Bộ GTVT cho hay.
Riêng khu vực Tây Nguyên, Bộ GTVT khẳng định đã hoàn thành đầu tư toàn bộ giai đoạn hai làn xe.
Cần thêm 21.663 tỉ đồng
Để nối thông đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT cho biết cần số tiền 21.663 tỉ đồng. Trong đó, vốn dự kiến huy động đầu tư theo hình thức BOT là 16.216 tỉ đồng cho dự án đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến và phần vốn trái phiếu chính phủ chưa cân đối được là 5.447 tỉ đồng cho dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Vì vậy, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị QH tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn để triển khai dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. “Đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại có quốc lộ 2 và 21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên Bộ GTVT sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến sau năm 2025…” - Bộ GTVT cho hay.
Với các đoạn đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ GTVT khẳng định đã mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các khu vực và các địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt đã làm thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây…
Điển hình là các dự án thành phần khu vực Tây Nguyên. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Việc đưa vào khai thác 419 km sớm hơn 1,5 năm so với yêu cầu của QH đã rút ngắn thời gian chạy xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Cạnh đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đi vào khai thác đã góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1. “Lưu lượng xe hằng năm lưu thông trên đường Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, nhất là các tuyến Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, khu vực Tây Nguyên…” - Bộ GTVT khẳng định.•
Giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh cần trên 107.000 tỉ đồng Theo Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 là trên 107.000 tỉ đồng. Trong đó, đã xác định được nguồn là 85.338 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 41.322 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT là 10.585 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BT là 11.485 tỉ đồng, vốn huy động vay ODA là 21.946 tỉ đồng. |