Ngày 23-9, nguồn tin cho biết cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao đã khởi tố và bắt tạm giam Đại tá Phùng Anh Lê, cựu trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội.
Xâm phạm hoạt động tư pháp
Theo thông tin ban đầu, ông Lê bị khởi tố về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, quy định tại Điều 378 BLHS năm 2015.
Ngoài ông Lê, CQĐT còn khởi tố, bắt tạm giam Trung tá Nguyễn Đức Châu, cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ, cùng về tội danh này.
Cơ quan tố tụng khám xét nhà riêng của ông Phùng Anh Lê.
Ảnh: TUYẾN PHAN
Trước đó, tối 21-9, tổ công tác gồm nhiều cán bộ kiểm sát và công an đã khám xét nhà của ông Lê tại phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, việc khám xét kết thúc. Lực lượng chức năng rời đi, mang theo một túi nylon màu đen lên chiếc ô tô biển xanh.
Theo tìm hiểu, vụ án mà ông Lê và ông Châu bị khởi tố xảy ra từ thời điểm ông Lê giữ chức trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tháng 1-2019, ông Lê được bổ nhiệm giữ chức trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, sau đó tiếp tục được bổ nhiệm làm phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.
Đến tháng 2-2021, Công an TP Hà Nội cho biết đã đình chỉ công tác đối với ông Lê để phục vụ việc xác minh một số hành vi được cho là sai phạm của ông.
Lần lượt sau đó, Thượng tá Phạm Quý Hải (Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ) và Trung tá Nguyễn Đức Châu cũng bị tạm đình chỉ công tác.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội không tiết lộ lý do ba cán bộ công an bị tạm đình chỉ nhưng cho hay đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên VKSND Tối cao để xử lý theo thẩm quyền.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê từng phủ nhận việc “chỉ đạo miệng” đối với thuộc cấp tại Công an quận Tây Hồ nhằm không xử lý người vi phạm pháp luật. Ông Lê nói rằng “có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật”, một ngày nào đó mọi việc liên quan đến mình sẽ được làm sáng tỏ.
Hai vụ án gây lùm xùm
Vụ thứ nhất, cuối tháng 4-2021, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, trú quận Ba Đình, Hà Nội) hai năm tù, một số bị cáo khác từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 20 tháng tù, cùng về tội cướp tài sản.
Đáng chú ý, HĐXX cho biết quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội xác định một số cán bộ Công an quận Tây Hồ có liên quan đến việc không xử lý hình sự các bị cáo nêu trên. Vợ của bị cáo Tài trình bày từng đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ giúp đỡ…
Do có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thụ lý, giải quyết bằng một vụ án khác.
Vụ thứ hai, hồi tháng 1-2021, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử và tuyên án tử hình đối với Lê Thanh Hưng (30 tuổi, trú TP Bắc Ninh) về tội giết người và tội cướp tài sản.
Hưng là cháu ruột bà NTN (56 tuổi, trú TP Bắc Ninh). Do thường xuyên ăn ngủ tại nhà bà N nên Hưng biết quy luật sinh hoạt của gia đình bà. Tháng 2-2020, lợi dụng lúc bà N ở nhà một mình, Hưng sát hại bà N, cướp tài sản trị giá hơn 35 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Hưng khai rằng tháng 11-2019, Hưng bị TAND quận Tây Hồ xử phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Để được mức án như trên, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ Công an quận Tây Hồ và thẩm phán giải quyết vụ án.
Tiếp đó, Hưng lại muốn được chấp hành án tại Công an quận Tây Hồ nhưng không có tiền nên Hưng lên kế hoạch thực hiện hành vi giết bác ruột để cướp tài sản.
Theo Điều 20 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 BLTTHS năm 2015 và Điều 30 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, CQĐT VKSND Tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. |