Hãng Reuters đưa tin chính quyền Đài Loan ngày 23-9 chỉ trích Trung Quốc là "tội phạm chính" có ý định bắt nạt Đài Loan, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh "không có quyền phản đối hoặc bình luận" về nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của hòn đảo.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến ngôn từ leo thang xung quanh việc Đài Bắc và Bắc Kinh quyết định nộp đơn gia nhập CPTPP.
Đài Loan gọi Trung Quốc là 'tội phạm chính' liên quan căng thẳng về CPTPP . Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 23-9, Cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết Trung Quốc "không có quyền phát biểu" về việc gia nhập CPTPP của Đài Loan.
"Chính phủ Trung Quốc chỉ muốn bắt nạt Đài Loan trong cộng đồng quốc tế, và là tội phạm chính trong việc gia tăng sự thù địch trên khắp eo biển Đài Loan" – cơ quan này tuyên bố.
Cơ quan này cho biết rằng “Trung Quốc không phải là thành viên của CPTPP và hệ thống thương mại của nước này đã bị nghi ngờ rộng rãi trên toàn cầu vì không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của khối”.
“Trung Quốc đã điều lực lượng không quân của mình đến uy hiếp Đài Loan ngay sau khi Đài Bắc công bố đơn gia nhập” - tuyên bố nêu thêm.
"Kiểu hành vi này chỉ có thể đến từ Trung Quốc" – Cơ quan đối ngoại Đài Loan nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố cũng được đưa ra vào cuối ngày 23-9, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết việc Bắc Kinh tham gia CPTPP sẽ có lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Trung Quốc phản đối Đài Loan sử dụng thương mại để thúc đẩy "không gian quốc tế" của mình hoặc tham gia vào các hoạt động giành độc lập, tuyên bố này nêu.
"Chúng tôi hy vọng các quốc gia có liên quan xử lý các vấn đề liên quan Đài Loan một cách thích hợp và không mang lại sự thuận tiện hoặc cung cấp nền tảng cho các hoạt động đòi độc lập của Đài Loan" – tuyên bố nêu thêm.
Theo Reuters, Đài Loan hôm 22-9 đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, chưa đầy một tuần sau động thái tương tự của Trung Quốc hôm 16-9.
Ngày 23-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ phản đối Đài Loan "tham gia vào bất kỳ hiệp ước hoặc tổ chức chính thức nào".
Cùng ngày, Đài Loan cho biết Trung Quốc đã điều 24 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo, một phần trong những gì Đài Bắc nói là một hình thức quấy rối gần như hàng ngày.
CPTPP được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, chiếm khoảng 13% thương mại toàn cầu.
CPTPP là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được xem là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
TPP từng được xem là trọng tâm của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama xoay trục chiến lược sang châu Á. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, ông Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi hiệp định này vào năm 2017.