Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76 - Ảnh: TTXVN
Không chỉ nêu đề xuất cụ thể cho các nội dung trọng tâm của kỳ họp, ông còn gửi đi thông điệp rõ ràng và nhất quán của Việt Nam trong các vấn đề trọng yếu.
Sáng 23-9 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76, Chủ tịch nước có bài phát biểu với chủ đề: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.
Tự cường và hợp tác
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với LHQ là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp.
Chủ tịch nước cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế, nhất là ưu tiên cung cấp vắc xin cho những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc xin.
Trước các tác động sâu sắc của đại dịch làm bộc lộ rõ những yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, Chủ tịch nước cho rằng cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các nước.
Để từ đó có thể biến thách thức thành cơ hội cho phát triển thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, phát huy năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế.
Đây cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua những nỗ lực giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Ông cho biết Việt Nam và các nước ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.
3 đề xuất của Chủ tịch nước
Tối 23-9 giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ về an ninh khí hậu. Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khắp các châu lục, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà Hội đồng Bảo an nói riêng và LHQ nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới.
Thứ nhất, Hội đồng Bảo an cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.
Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.
Thứ hai, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.
Thứ ba, Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH và các thỏa thuận quốc tế lớn khác.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít cacbon. Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc ủng hộ và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan các nỗ lực ứng phó với BĐKH.
Các cuộc tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước
Ngày 22-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng thống các nước Mông Cổ, Thụy Sĩ, Áo và chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU).
* Tại cuộc gặp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagin Khurelsukh, Chủ tịch nước cho biết sẵn sàng phối hợp với Tổng thống Ukhnaagin Khurelsukh cùng các bộ ngành hai nước tìm ra biện pháp thích hợp để đưa quan hệ hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, có lợi cho nhân dân hai nước, sớm đạt mục tiêu quy mô 100 triệu USD thương mại hai chiều.
* Tiếp Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng gặp lại ngài Tổng thống, đặc biệt trong bối cảnh năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1971 - 2021).
Tổng thống Guy Parmelin chia sẻ với những thách thức Việt Nam đang trải qua trong dịch bệnh, khẳng định mong muốn thúc đẩy chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2021 - 2024 với số vốn ODA 80 triệu USD Thụy Sĩ đã cam kết. Tổng thống Thụy Sĩ trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ. Chủ tịch nước vui vẻ nhận lời.
* Tại cuộc gặp Tổng thống Áo Alexander Van Der Bellen, hai lãnh đạo nhất trí hợp tác kinh tế là trọng tâm của hai nước từ nhiều năm nay. Áo luôn nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Do đó, hai bên cần sớm tổ chức cuộc họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo kể cả bằng hình thức trực tuyến nhằm bàn giải pháp tăng cường hợp tác.
* Tiếp Chủ tịch EU Charles Michel, Chủ tịch nước khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đó.
Chủ tịch nước cảm ơn những hỗ trợ thiết thực của EU cho Việt Nam trong dịch COVID-19, mong EU tiếp tục giúp đỡ Việt Nam thời gian tới.
Hai lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - EU. Sau hơn một năm triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại hai chiều đạt 32,2 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 18% trong bối cảnh đại dịch, đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế của hai bên.
ĐÀ TRANG
Ông Biden muốn nước giàu tặng thay vì bán vắc xin
Tổng thống Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dịch bệnh COVID-19 từ Nhà Trắng tại Washington, Mỹ ngày 22-9 Ảnh: Reuters
Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 (trực tuyến) với chủ đề "Chấm dứt đại dịch và xây dựng lại tốt hơn", bên lề kỳ họp của Đại hội đồng LHQ.
Ông Biden đặt mục tiêu 70% dân số toàn cầu được tiêm vắc xin COVID-19 trước kỳ họp Đại hội đồng LHQ tháng 9 năm sau. Lãnh đạo Mỹ kêu gọi các nước giàu hãy tặng vắc xin cho nước nghèo thay vì bán, và "không có ràng buộc chính trị kèm theo".
Tổng thống Mỹ cho biết sẽ tặng thêm 500 triệu liều vắc xin của Pfizer-BioNTech cho các nước thu nhập thấp, theo đó nâng tổng số vắc xin Mỹ cam kết tặng thế giới lên khoảng 1,1 tỉ liều. Ông cũng hứa sẽ hỗ trợ 370 triệu USD để giúp phân phối vắc xin toàn cầu.
BÌNH AN
Nhân dịp tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 76, sáng 23-9 (theo giờ Mỹ) tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Công ty Pfizer, công ty sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.